Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế sau vụ nhà khoa học Iran bị sát hại

06:24, 04/12/2020
Ngày 27-11, truyền thông Iran đưa tin ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, đã tử vong tại bệnh viện sau khi bị tấn công bất ngờ.

Bộ Quốc phòng Iran xác nhận ông Fakhrizadeh đã bị ám sát. Các hãng tin Tasnim và Fars cho biết vụ ám sát xảy ra ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand ở miền Đông, khi một nhóm tay súng đánh bom một chiếc xe ôtô, trước khi nổ súng vào xe chở nhà khoa học Fakhrizadeh. Hiện chưa rõ danh tính của các tay súng này.

Theo tình báo phương Tây và Israel, ông Fakhrizadeh được cho là "cha đẻ" của chương trình hạt nhân của Iran.

Giới chức Iran cáo buộc Israel và một nhóm đối lập Iran đứng đằng sau vụ ám sát được nhận định là rất “tinh vi” này. Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, mà cụ thể là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, tướng Ali Shamkhani hôm 30-11 cho biết, nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh là nhân vật nằm trong tầm ngắm ám sát của “kẻ thù” trong suốt 20 năm qua và ông đã được bảo vệ một cách cẩn trọng nhất. Đáng tiếc, lần ám sát tinh vi này đã thành công. Theo một số tờ báo quốc tế và Arab, vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát được điều khiển từ “vệ tinh”. Trong khi đó, hãng tin Press TV của Iran dẫn nguồn điều tra cho biết, loại vũ khí sử dụng trong vụ ám sát được sản xuất tại Israel, với logo và thông số kỹ thuật của ngành quân sự nước này.

Chiếc xe của nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh bị phá hủy trong một vụ tấn công vũ trang  ở thành phố Absard, gần Tehran.    Ảnh: IRNA/TTXVN
Chiếc xe của nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh bị phá hủy trong một vụ tấn công vũ trang ở thành phố Absard, gần Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong dòng tweet mới nhất, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng khẳng định, chính “kẻ thù không đội trời chung của Iran” là Israel đã tham gia vào vụ ám sát.

Người dân Iran đang rất tức giận về vụ ám sát. Cố vấn quân sự của Lãnh tụ tối cao Iran khẳng định sẽ có một cuộc tấn công như “sấm sét” nhằm vào kẻ thù, khiến họ phải hối hận về hành vi của mình.

Hiện giới chức Israel vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào. Theo truyền thông Israel đưa tin, Israel đặt các đại sứ quán của nước này trên toàn thế giới trong tình trạng báo động cao sau lời đe dọa đáp trả từ Iran. Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, ông Alon Ushpiz đã gửi thư tới tất cả các phái bộ của Israel ở nước ngoài, yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh và duy trì cảnh giác.

Hiện thế giới vẫn đang tiếp tục lên án vụ ám sát nhà khoa học Iran và kêu gọi các bên hành động kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng.

Ngày 28-11, Liên hiệp quốc đã kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, sau khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông liên quan vụ việc nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran bị ám sát. Một người phát ngôn của Liên hiệp quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi hối thúc các bên kiềm chế và tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi cũng lên án mọi hành động ám sát hay sát hại mà không qua xét xử".

Nhận định về diễn biến mới này, ngày 27-11, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran là một hành vi “phạm tội” có nguy cơ kích động xung đột trong khu vực. Theo ông, "một hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ như vậy sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kích động thêm nhiều chính phủ thực hiện những cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào các quan chức nước ngoài". Bên cạnh đó, ông Brennan cũng kêu gọi Iran kiềm chế các hành vi trả đũa và “chờ đợi sự trở lại vai trò lãnh đạo có trách nhiệm của nước Mỹ trên vũ đài toàn cầu”.

Bộ Ngoại giao Đức cũng hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo cơ quan này, điều quan trọng là duy trì cơ hội đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi thông qua thương lượng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria gọi vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran là một “hành động khủng bố”, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án vụ "ám sát tàn ác" nhằm vào nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, kêu gọi đưa những kẻ liên quan đến vụ tấn công ra trước công lý. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc tất cả các bên hành động với sự kiềm chế tối đa. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc lên án vụ ám sát ông Fakhrizadeh và hy vọng vụ việc sẽ được điều tra kỹ lưỡng. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực cũng như phá hoại hòa bình và ổn định khu vực Trung Đông. Người phát ngôn này nói thêm rằng tình hình Trung Đông hiện nay rất phức tạp và nhạy cảm, đồng thời kêu gọi tất cả các bên cần hợp tác để giảm căng thẳng khu vực và duy trì hòa bình ổn định.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại sâu sắc trước "bản chất gây hấn của hành động khủng bố này và điều này rõ ràng gây ra bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực". Tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế thực hiện những bước đi có nguy cơ leo thang căng thẳng.

Tương tự, Liban cũng lên án mạnh mẽ vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh của Iran và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa để khu vực tránh rơi vào "kịch bản tồi tệ nhất". Về phần mình, Bộ Ngoại giao Kuwait lên án vụ ám sát và gửi lời chia buồn với đất nước Iran. Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh Kuwait phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng và phá hoại sự ổn định trong khu vực.

Các nước trong khu vực như Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ra tuyên bố lên án vụ sát hại ông Fakhrizadeh và kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tránh rơi vào bất ổn.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.