Multimedia Đọc Báo in

Bất ổn chính trị ở nước Mỹ trước ngày chuyển giao quyền lực

12:28, 16/01/2021

Chỉ còn vài ngày nữa nước Mỹ sẽ tổ chức lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Theo kế hoạch, chủ đề của lễ nhậm chức năm nay là “Nước Mỹ thống nhất” (America United). Quả thực, nước Mỹ đang cần sự đoàn kết, thống nhất hơn bao giờ hết trước những chia rẽ và rạn nứt vừa qua…

Chính quyền Mỹ đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sau cuộc bạo động ngày 6-1. Người dân Mỹ đã được khuyến cáo không nên đổ về thủ đô Washington để tham gia lễ nhậm chức của ông Biden và bà Kamala Harris sau vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Khuyến cáo này được đưa ra khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo khả năng xảy ra các cuộc biểu tình có vũ trang tại 50 bang và ở thủ đô Washington D.C trong ngày 20-1.

Thị trưởng Washington Muriel Bowser trước đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với toàn thành phố và yêu cầu người dân Mỹ ở nhà. An ninh tại Điện Capitol đã được thắt chặt và sự tiếp cận của công chúng cũng bị hạn chế khá nhiều trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa về các vụ bạo lực trong ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris.

Hàng rào an ninh xung quanh Điện Capitol và Lầu Năm Góc đã được củng cố. Hàng chục nghìn binh sĩ có vũ trang từ vệ binh quốc gia cũng được triển khai tới Washington để hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật địa phương. Từ ngày 13-1, Cơ quan mật vụ Mỹ đảm nhận vai trò kiểm soát an ninh trong khuôn khổ chiến dịch Sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt (NSSE). NSSE được kích hoạt mỗi khi có sự kiện an ninh quốc gia trọng đại như họp thượng đỉnh lãnh đạo thế giới, lễ nhậm thức của tổng thống… Một khi chiến dịch này được kích hoạt, Cơ quan Mật vụ, FBI và Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) sẽ phối hợp với nhau để hành động.

Trong khi đó, ngày 13-1, sau phiên tranh luận, Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị quyết với điều khoản luận tội duy nhất đối với Tổng thống Donald Trump, theo đó cáo buộc ông chủ Nhà Trắng kích động bạo loạn chống chính phủ.

Không giống như lần luận tội trước, nỗ lực lần này của đảng Dân chủ nhận được sự ủng hộ của ít nhất 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa. Theo điều khoản luận tội, đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump kích động biểu tình ngày 6-1 khi kêu gọi những người ủng hộ ông tiến về phía Đồi Capitol trong khi lưỡng viện Mỹ tổ chức phiên họp chung kiểm đếm phiếu bầu của đại cử tri. Những người biểu tình quá khích được cho là ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn việc xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Điều khoản cũng cáo buộc Tổng thống Trump đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ và các thể chế của Chính phủ khi đe dọa tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ, can thiệp vào việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và phản bội lòng tin của mình với tư cách là Tổng thống.

Tổng thống Trump đã gọi kế hoạch luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện là phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị". Ông Trump cũng khẳng định bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ vào tuần trước, khuyến khích họ tuần hành tới trụ sở Quốc hội, là "hoàn toàn phù hợp" và không liên quan tới vụ bạo loạn xảy ra sau đó.

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xung đột với cảnh sát khi cố gắng đột nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1.    Ảnh: AFP/TTXVN
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xung đột với cảnh sát khi cố gắng đột nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12-1, các thành viên cấp cao Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã ra thông điệp chỉ trích cuộc bạo động ngày 6-1 và coi đây là một vụ tấn công trực tiếp Quốc hội Mỹ. Đây là thông điệp đầu tiên của giới chức quân sự Mỹ sau khi người biểu tình đã gây bạo loạn và làm gián đoạn phiên họp quốc hội nhằm xác nhận kết quả bầu cử. Thông điệp nhấn mạnh, các quân nhân Mỹ phải hiện thân cho giá trị và lý tưởng của đất nước, ủng hộ và bảo vệ hiến pháp đồng thời khẳng định mọi hành động làm gián đoạn quá trình lập hiến đều đi ngược lại các truyền thống, giá trị và luật pháp Mỹ.

Các quan chức quân sự cấp cao Mỹ cũng công nhận chiến thắng của ông Biden và khẳng định vào ngày 20-1, theo Hiến pháp, sau khi được xác nhận bởi các tiểu bang, tòa án và quốc hội, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức và trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Có thể nói, ngày 6-1 là một ngày rối bời của Tổng thống Mỹ Donald Trump bên trong Nhà Trắng, mà theo ví von của tạp chí Time là nó gắn với cảm giác bị cô lập như bất kỳ thời điểm nào trong nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của ông.

24 giờ sau sự kiện chấn động đó, hơn nửa tá nhân viên Nhà Trắng đã từ chức, gồm cả những cộng sự thân tín nhất của ông Trump. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã đổ lỗi cho ông về việc mất hai ghế thượng nghị sĩ tại bang Georgia, dẫn đến đảng này mất quyền kiểm soát Thượng viện.

Đó là một lý do khiến ông Trump cuối cùng buộc phải đưa ra bài phát biểu nhượng bộ của mình: một đoạn video dài 2 phút 41 giây đăng trên Twitter vào tối ngày 7-1 với nội dung chỉ trích hành động bạo lực tại Đồi Capitol, thừa nhận một chính quyền mới sẽ được thiết lập vào ngày 20-1, và nói rằng “trọng tâm bây giờ sẽ chuyển sang bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, có trật tự và liền mạch. Khoảnh khắc này kêu gọi sự hàn gắn và hòa giải”.

Các cuộc thăm dò dư luận sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6-1 cho thấy, tỷ lệ người dân Mỹ muốn bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump đang ở mức cao chưa từng thấy, cho dù chỉ còn vài ngày nữa nhiệm kỳ của ông cũng chính thức kết thúc. Theo cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos được công bố ngày 10-1, có tới 56% số người được hỏi cho rằng ông Trump nên bị bãi nhiệm, trong khi chỉ 43% tin rằng ông không nên bị bãi nhiệm.

Ông Trump và những nhân vật thân cận đang gắng “bẻ hướng” sự chú ý khỏi cuộc bạo loạn ở Điện Capitol và thay vào đó tập trung vào các di sản chính sách của ông trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, một số người trong Nhà Trắng cho rằng, những động thái nhằm làm nổi bật những thành tựu chính sách của Tổng thống Trump sẽ chẳng thể “cứu vãn” tình thế hiện nay. “Chẳng có ai quan tâm. Mọi người đều cảm thấy chán nản và thành thật mà nói là chỉ muốn những ngày cuối cùng này trôi qua thật nhanh”, một quan chức đương nhiệm của Nhà Trắng cho biết.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.