Cách khắc phục ngô kết hạt kém
Vụ hè thu 2013, năng suất ngô ở Dak Lak đạt khá cao, từ 50-65 tạ/ha, thậm chí nhiều vùng đạt rất cao như Krông Ana 72 tạ/ha. Tuy nhiên, nông dân ở các xã Ea Lê, Cư Mlan của huyện Ea Súp lại kém vui vì nhiều diện tích ngô cho năng suất thấp do ngô kết hạt kém.
Thứ nhất là vấn đề thời tiết: nếu vào giai đoạn trổ cờ, phun râu mà gặp thời tiết nắng nóng trên 35 độ C thì hạt phấn sẽ bị chết khô, không thụ phấn được nữa. Nếu gặp trời mưa kéo dài đúng lúc trổ cờ, phun râu thì hạt phấn và nhựa ở râu ngô dễ dàng bị rửa trôi dẫn đến kết hạt kém. Thứ hai: việc bón phân không cân đối cũng là một nguyên nhân, nếu bón quá nhiều đạm vào giai đoạn trổ cờ, phun râu thì việc kết hạt cũng bị hạn chế. Nếu đất trồng thiếu dinh dưỡng như đất chua, mặn, xám bạc màu… cũng sẽ ảnh hưởng tới việc thụ phấn, vì dinh dưỡng giữ vai trò chủ lực trong sự thụ phấn, kết hạt. Ngoài ra, diện tích ngô bị ngập nước trong giai đoạn trổ cờ, phun râu làm cho thời điểm phun râu và tung phấn lệch pha nhau, cây ngô không thụ phấn được. Mặt khác, sâu bệnh gây hại, nhất là rệp cờ là đối tượng thường làm cho phấn không tung được và ngô kết hạt kém…
Còn việc ra “bắp chìa”, theo GS Nguyễn Lân Hùng (đã trả lời trên một số báo), có thể do một trong hai nguyên nhân sau: trước tiên có thể do đặc tính giống. Ví dụ các giống LVN4, NK6326 hoặc NK 6654… có hiện tượng ra bắp chìa, nhưng các bắp phụ này mau chóng teo đi khi bắp chính vào chắc. Do đó sẽ không ảnh hưởng gì tới năng suất của cây ngô. Còn trường hợp khi gặp thời tiết bất lợi, hạt phấn không thụ tinh được nên hạt không hình thành. Lúc này, các chất hoocmon sinh trưởng trong cây không dồn vào hạt nữa mà tập trung vào các đỉnh sinh trưởng giữa các lá bi, đánh thức chúng dậy để hình thành các trái phụ. Các trái này thường không có hạt. Thực tế ngô kết hạt kém và ra “trái chìa” là một hiện tượng sinh lý rất đặc trưng của cây ngô khi gặp các điều kiện bất thuận. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng do các giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, ngưỡng chịu đựng với các điều kiện cũng khác nhau nên đôi khi mức độ ảnh hưởng trên đồng ruộng có thể khác nhau.
Theo ông Phan Hùng Cường, bà con nông dân có thể khắc phục hiện tượng này bằng các cách sau: tuân thủ đúng lịch thời vụ do cán bộ nông nghiệp đưa ra, tránh để ngô trổ cờ phun râu rơi vào thời điểm nắng nóng. Cây ngô cũng phải được tưới nước đầy đủ, nhất là trong giai đoạn trổ cờ và ở những vùng có nhiệt độ cao. Đối với vùng trũng, ruộng ngô cần được thoát nước tốt. Để ngô cho năng suất cao, cần bón phân cân đối, đầy đủ, nhất là các loại phân hữu cơ, phân lân, N-P-K. Chú ý phòng ngừa sâu bệnh và việc sử dụng thuốc trừ cỏ phải tuân thủ theo đúng lịch trình đã in trên nhãn bao bì. Khi chọn giống, bà con cũng nên quan tâm chọn những giống ngô ít có mức độ mẫn cảm với thời tiết nhằm tránh thiệt hại khi thời tiết bất lợi xảy ra.
T.N
Ý kiến bạn đọc