Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng rối loạn tâm thần do nghiện game online

08:42, 26/07/2018

Mặc dù chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần, thế nhưng game online lại gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người chơi bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc dẫn đến mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần. Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh cảnh báo: rối loạn tâm thần do nghiện game online là bệnh khó chữa trị nhất trong các chứng rối loạn tâm thần. 

Game online là trò giải trí quen thuộc góp phần giúp người chơi giảm bớt mệt mỏi sau những giờ học, giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, game online là trò chơi rất dễ gây “nghiện”, đặc biệt là những người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình như lứa tuổi học sinh. Game online nguy hiểm ở chỗ nó khiến người chơi quên mất bản thân còn những công việc khác phải hoàn thành, luôn đắm chìm vào không gian của trò chơi, thậm chí ảo tưởng mình là nhân vật trong trò chơi, dẫn đến tình trạng quên ăn, quên ngủ, lâu dần trở thành người nghiện game.

 
“Game online là một trò chơi gây “nghiện” mạnh tương đương với một số loại ma túy tổng hợp. Vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân loạn thần do nghiện game online gia tăng một cách đáng báo động, chủ yếu ở lứa tuổi vị thành niên”.
 
 Bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Động kinh - nghiện chất - vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh

Những người nghiện game online đều có chung triệu chứng, như: sao nhãng các thú vui, chán ghét mọi thứ, có biến đổi lớn về tâm lý, lâu dần sẽ bị hoang tưởng, loạn thần. Trường hợp của bệnh nhân L.V.P. là một ví dụ. Đã gần nửa tháng sau khi nhập viện điều trị chứng loạn thần do nghiện game online, bệnh nhân L.V.P (sinh năm 1997, ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) vẫn còn tình trạng ảo giác, chưa thể tỉnh táo để trở về với gia đình. P. bắt đầu chơi game online từ khi học lớp 5, sau đó lực học của P. ngày càng sa sút, đến khi lên lớp 11 thì P. hầu như không chú tâm học hành mà dành toàn bộ thời gian để chơi game. Đến năm lớp 12, P. thường có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác giống như một người mắc bệnh tâm thần nên gia đình đưa đến bệnh viện để điều trị. Điều trị được thời gian, thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, P. lại tiếp tục chơi game online khiến bệnh tái phát nặng hơn. Bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Động kinh - nghiện chất - vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Hiện tại, tình trạng bệnh của P. rất khó điều trị. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân sử dụng game online quá nhiều, thời gian quá lâu, sự hoang tưởng ảo giác đã ngấm vào thần kinh quá lớn khiến bệnh dễ tái phát. Khi gia đình đưa bệnh nhân vào nhập viện, bệnh nhân luôn trong tình trạng lầm lì, khó tiếp xúc, chống đối”.

       Bệnh nhân  (bìa trái) đang  điều trị  rối loạn  tâm thần  do nghiện game online tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Bệnh nhân (bìa trái) đang điều trị rối loạn tâm thần do nghiện game online tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Theo bác sĩ Duyên, nghiện game online cũng giống như nghiện ma túy, nếu càng cấm, trẻ càng tìm cách để chơi. Và khi cơn “nghiện” nổi lên trẻ sẽ không kiềm chế được. Ở mức độ nhẹ thì bỏ ăn uống, học hành sa sút, nặng hơn thì cáu bẳn, hay sinh sự, kích động, quậy phá, đánh đấm lung tung, cao hơn nữa là loạn thần, bị ảo giác chi phối. Đơn cử, vừa qua Khoa Động kinh - nghiện chất - vật lý trị liệu - phục hồi chức năng đã tiếp nhận một bệnh nhân bị rối loạn ý thức và hành vi từ huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Bệnh nhân này thường xuyên bị kích động, quậy phá, xách dao đi chém người, buộc gia đình phải nhốt trong nhà. Trước đó, bệnh nhân có khoảng thời gian dài chơi game online hành động, đóng vai nhân vật trong phim đi bắn giết đối phương. Sau đó, người nhà phát hiện bệnh nhân có biểu hiện khác thường, hay đứng đánh, đá một mình nên đưa vào bệnh viện điều trị.

Bác sĩ Duyên nhấn mạnh: Rối loạn tâm thần do nghiện game online là một bệnh rất khó điều trị, đặc biệt khó phục hồi thói quen, tâm lý và nhân cách của người bệnh. Để điều trị nghiện game hiệu quả, cách tốt nhất cần phải thay đổi, cách ly môi trường game online, không cho bệnh nhân tiếp cận với các phương tiện chơi game online, như: máy tính, điện thoại, Ipad… bởi bệnh rất dễ tái phát nếu bệnh nhân lại sa đà vào chơi game và khi đó việc điều trị sẽ nan giải hơn rất nhiều, thậm chí tâm thần không thể hồi phục. Đối với những gia đình đang có con chơi game online, nếu phát hiện con mình có những biểu hiện, như: lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai… thì nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị sớm bởi khám muộn sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị. Để hạn chế tình trạng nghiện game online, gia đình, nhà trường cần quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có quy chế quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ game online để các em không bị hủy hoại tương lai vì những trò chơi tưởng như vô hại.

Mỹ Hạnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.