Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ có thai cần thận trọng với bệnh sốt rét

10:00, 27/10/2018

Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng gây ra, trung gian truyền bệnh là loài muỗi Anophen (còn gọi là muỗi sốt rét).

Bệnh có sức lây lan nhanh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ. Đối tượng dễ mắc bệnh sốt rét là những người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, bộ đội biên phòng, công nhân truyền tải điện, thợ săn… Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, nhất là ở những tháng đầu thai kỳ, nguy cơ sảy thai cao.

Theo báo cáo của Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), 9 tháng năm 2018, khoa đã điều trị cho 47 trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó có 2 ca sốt rét ác tính, 3 ca sốt rét thai nghén và 1 ca sốt rét kháng thuốc. Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, hiện nay nhận thức của người dân về bệnh sốt rét, đặc biệt là dân di cư tự do, còn rất hạn chế. Nhiều trường hợp, khi có biểu hiện sốt, người bệnh thường tự mua thuốc về điều trị. Nếu không dùng đúng thuốc cho đúng bệnh thì bệnh chẳng những không khỏi mà nguy cơ chuyển thành sốt rét ác tính, nguy hiểm hơn là sốt rét kháng thuốc rất cao. Về mặt điều trị, hiện khoa đang áp dụng hiệu quả phác đồ của Bộ Y tế. Hầu hết các ca bệnh nhập viện đều được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị cho những trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt rét đòi hỏi thời gian điều trị dài và phức tạp hơn rất nhiều.

Điển hình là trường hợp của chị N.T.T (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp). Chị T. mắc bệnh sốt rét lần đầu ở tháng thứ 3 thai kỳ, giai đoạn dễ sảy thai nhất. Bởi vậy, dù nhà xa nhưng chị T. thường xuyên phải trở lại bệnh viện để theo dõi và phải đến lần điều trị thứ ba, sau khi sinh con, chị T. mới được loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng sốt rét ra khỏi cơ thể.

Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) tuyên truyền phòng chống bệnh sốt rét cho phụ nữ mang thai.
Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) tuyên truyền phòng chống bệnh sốt rét cho phụ nữ mang thai.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, sở dĩ bệnh sốt rét nguy hiểm với phụ nữ có thai vì lúc này, sức đề kháng của thai phụ yếu nên dễ mắc bệnh hơn những người bình thường. Và khi đã nhiễm bệnh thì diễn biến bệnh cũng nặng hơn, biểu hiện rõ rệt nhất là dễ bị thiếu máu, dễ chuyển sang sốt rét ác tính, dễ xuất huyết và đặc biệt nguy hiểm là nguy cơ sảy thai cao. Trong một vài trường hợp hi hữu, người mẹ bị sốt rét sau khi sinh, con cũng mắc bệnh sốt rét. Do đó, phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý phòng tránh căn bệnh này. Không nên đi rừng, ngủ rẫy, không qua lại khu vực lưu hành bệnh sốt rét. Trường hợp sống trong vùng có nguy cơ cao hoặc sốt rét đang lưu hành, cần chủ động phun hóa chất diệt muỗi, ngủ màn có tẩm hóa chất diệt muỗi. Dùng mọi biện pháp để tránh muỗi đốt.

Bệnh sốt rét có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể chuyển sang sốt rét ác tính, dẫn đến tử vong. Biểu hiện rõ rệt nhất của căn bệnh này là sốt, kèm theo dấu hiệu ớn lạnh, nóng, vã mồ hôi với tần suất một ngày sốt một cơn. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, khi có các dấu hiệu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 393 trường hợp mắc bệnh sốt rét, tập trung tại các huyện Ea Kar (93 ca), Krông Năng (53 ca), Ea Súp (43 ca), Buôn Đôn (40 ca). Lượng bệnh nhân tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.