Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ lớn tuổi mang thai: Cần được khám thai sớm và thường xuyên

08:39, 06/07/2019

Ngày nay, ngày càng nhiều phụ nữ có xu hướng sinh con muộn. Điều này gây nên nhiều lo ngại bởi khi mang thai và sinh con ở độ tuổi ngoài 35, sức khỏe bà bầu sẽ không bảo đảm  dẫn tới những biến chứng không mong đợi cho cả mẹ lẫn con. Đặc biệt, thai nhi sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ dị tật, trong đó có hội chứng Down.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, phụ nữ lớn tuổi mang thai thường mắc bệnh lý phổ biến nhất là nhau tiền đạo, là tình trạng nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Điều này có thể gây chảy máu ồ ạt trong quá trình sinh nở. Với những phụ nữ mang thai ở tuổi trên 35, khoảng 50% trong số họ sẽ gặp trở ngại trong việc thụ thai.

Bên cạnh đó, khi đã lớn tuổi mà mang thai sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn do nhiễm sắc thể gây hội chứng Down (nguy cơ với tỷ lệ 1/100 đối với tuổi 40 và 1/30 đối với tuổi 45) và sảy thai. Theo điều tra tại Đan Mạch, nguy cơ sảy thai là 50% với tuổi 42. Phụ nữ mang thai trong độ tuổi này có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 3 lần so với các bà mẹ trong độ tuổi 20. Thai phụ cũng có thể gặp nhiều vấn đề hơn khi sinh nở, ví dụ như mất cơn co tử cung và suy tim thai, đó là lý do tại sao phụ nữ lớn tuổi mang thai thường phải mổ đẻ.

Điều tra mới đây của Viện Y khoa thuộc Đại học Harvard cho thấy tỷ lệ này là 43%. Ngoài ra, tỷ lệ người mẹ tử vong cũng cao hơn (từ 7,8/100 người ở độ tuổi 27 lên 27/100 người ở độ tuổi từ 40 đến 44). Các nguy cơ này càng tăng khi tuổi mang thai càng cao. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ nên mang thai và sinh con ở độ tuổi từ 20-30.

Sản phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để đảm bảo sức khỏe  cho mẹ và con.
Sản phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con.

Vợ chồng chị N.T.B.L (trú huyện Cư Kuin) cưới nhau gần 15 năm nhưng hiếm muộn con cái, chạy chữa mãi tới năm 36 tuổi chị L. mới được làm mẹ. Vì mang thai khi đã lớn tuổi nên chị rất lo lắng. “Suốt quá trình mang thai, tôi luôn phải chú ý chăm sóc sức khỏe của bản thân, thường xuyên thăm khám siêu âm định kỳ và làm các xét nghiệm để bảo đảm việc sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi gần sinh, tôi bị tiểu đường thai kỳ nên quá trình sinh con khá vất vả”, chị Loan chia sẻ.

Còn chị T.T.T.T (trú xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) do một lần lỡ quên dùng biện pháp phòng tránh nên chị T. có thai lúc gần 40 tuổi. Mang thai ở độ tuổi này chị thấy sức khỏe mình giảm sút rất nhiều, lúc nào người cũng trong tình trạng mệt mỏi, lờ đờ. Do sức khỏe không đảm bảo nên chị T. phải sinh non khi thai mới được 34 tuần tuổi.

Sinh con và làm mẹ là quyền và thiên chức của mỗi phụ nữ. Do đó, nếu mang thai khi đã lớn tuổi, người phụ nữ cần được chăm sóc tốt hơn, cần có được thông tin cụ thể về những biến chứng thường gặp khi mang thai để phòng tránh và giải quyết những rủi ro gặp phải.

Bác sĩ Hoa nhấn mạnh: “Nhiều nguy cơ nói trên vẫn có thể phòng ngừa được. Quan trọng là thai phụ phải có sức khỏe tốt, được chăm sóc sức khỏe sinh sản sớm và có nếp sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Để có cơ hội sinh con mạnh khỏe, thai phụ nên đọc kỹ hướng dẫn thăm khám thai của thầy thuốc. Điều này đặc biệt quan trọng, nếu bạn mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường. Các hướng dẫn của thầy thuốc cũng sẽ giúp bạn xác định các loại thuốc nào có thể sử dụng để điều trị trong thai kỳ. Uống bổ sung viên sắt, axit folic trước, trong khi mang thai và tiếp tục trong tháng đầu tiên sau khi sinh nhằm giúp thai nhi tránh các di chứng của não và tủy sống. Phụ nữ mang thai cần được khám thai sớm và thường xuyên nhằm bảo đảm thai kỳ diễn ra thuận lợi, an toàn sức khỏe cho mẹ và thai nhi”.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.