Multimedia Đọc Báo in

Lấy cao răng định kỳ để bảo vệ sức khỏe răng miệng

08:00, 18/08/2019

Cao răng (còn được gọi là vôi răng) là những mảng bám được tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm (có thể là những mảnh vụn thức ăn hoặc các chất khoáng trong miệng…) lâu dần trở nên cứng, bám chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi.

Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt quốc gia: 99,4% dân số Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng, trong đó chủ yếu là các bệnh như: viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng. Tất cả các bệnh này đều bắt nguồn từ việc để cao răng hình thành quá nhiều.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hiện nay có khoảng 70% số bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị các bệnh về răng miệng đều không lấy cao răng định kỳ. Họ chỉ thực sự tìm đến nha sĩ khi răng có dấu hiệu ê buốt, đau nhức, khó ăn uống.

Đơn cử như bà Huỳnh Thị Hương (50 tuổi, ở xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột) đến Khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) khám do răng bị ê buốt, thường xuyên chảy máu mỗi khi đánh răng. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán răng của bà Hương bị viêm nướu cấp, cao răng nhiều; phải điều trị tình trạng viêm nướu, sau đó tái khám để lấy cao răng. “Sau khi lấy cao răng và thực hiện chăm sóc răng miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ, đến nay tình trạng chảy máu chân răng không còn, tôi không bị đau nhức và ê buốt mỗi khi uống nước nóng, lạnh nữa”, bà Hương cho hay.

Kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện và sớm  điều trị những tổn thương.
Kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện và sớm điều trị những tổn thương.

Cao răng nếu không được lấy định kỳ, vi khuẩn trong cao răng sẽ gây viêm nướu, viêm nha chu với các biểu hiện như: đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng. Ngoài ra, vi khuẩn trong mảng vôi răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng, bệnh ở vùng mũi họng, bệnh tim mạch…

Theo các bác sĩ nha khoa, cao răng rất dễ hình thành. Khi chúng ta ăn xong, nếu không chải răng ngay thì khoảng 15 phút sau sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu màng bám này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám. Lúc này, các mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong miệng tiếp tục bám vào hình thành nên những mảng cứng xung quanh cổ răng gọi là cao răng. Cao răng có hai loại là cao răng trên lợi và cao răng dưới lợi. Cao răng trên lợi dễ nhìn thấy bằng cách soi qua gương, phát hiện cao có màu đen, vàng; còn cao răng dưới lợi thì do bác sĩ nha khoa sử dụng dụng cụ, có đèn khám, tách rãnh lợi ra thì mới thấy cao răng bám vào bề mặt trên răng, nằm trong túi lợi.

Để tránh việc hình thành mảng bám trên răng, nên đánh răng ít nhất ngày 2 lần, sáng và tối trước khi đi ngủ; sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn còn sót ở vùng kẽ răng; ngậm nước súc miệng có bán sẵn hoặc nước muối pha loãng. Kiểm tra răng miệng định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng để phát hiện những tổn thương sớm nhất giúp việc điều trị dễ dàng hơn, ít đau đớn và tốn kém hơn. Đặc biệt, cần phải lấy cao răng định kỳ 6 tháng một lần bởi cao răng bám khá chắc nên dù chải răng vẫn không sạch.

Việc lấy cao răng vô cùng đơn giản, chỉ cần dùng máy lấy cao siêu âm có thể làm rung, làm bong các mảng bám cao ra. Về mặt chuyên môn, thủ thuật điều trị này không làm hư răng, không làm mòn răng. Máy siêu âm là loại máy rung với tần số cao làm bật cao ra khỏi răng chứ không có tác dụng mài mòn răng như nhiều người vẫn nghĩ. Hiệu ứng của máy lấy cao siêu âm là đôi khi làm cho bệnh nhân có cảm giác tê buốt nhưng đó chỉ là cảm giác nhất thời và hồi phục tức thì mà không gây hại cho răng.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.