Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống bệnh thủy đậu

09:37, 01/03/2020

Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da và để lại sẹo xấu, một số trường hợp nặng gây viêm phổi, viêm não gây liệt, hôn mê…; phụ nữ có thai bị thủy đậu gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa và điều trị kịp thời căn bệnh này.

Bệnh thủy đậu (còn gọi là bệnh phỏng dạ) là bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và chiếm trên 90% đối với người chưa tiêm phòng vắc xin. Bệnh rất dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành, khi người bệnh nói, hắt hơi, chảy nước mũi… vi khuẩn theo đó bắn ra ngoài và người lành hít phải sẽ lây bệnh. Thông thường từ lúc nhiễm phải vi rút đến lúc phát bệnh khoảng 2 tuần. Bệnh thường bùng phát vào mùa đông xuân hằng năm, từ tháng 2 đến tháng 6 là thời gian bệnh bùng phát nhiều nhất.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh  thủy đậu cho trẻ.
Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh (Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, triệu chứng ban đầu của người bệnh là sốt nhẹ từ 37 - 380C, đôi khi sốt cao đến 39 - 400C, người mệt mỏi, đau đầu, đau họng vài ngày. Sau đó sẽ thấy phát ban và xuất hiện các nốt phỏng trên da, ban đầu là các nốt nhỏ màu hồng, sau đó nổi gồ lên da và sau 24 giờ trở thành nốt màu hồng có phỏng nước trong rồi trở nên đục và đóng vẩy. Các nốt phỏng thường ngứa, xuất hiện rải rác khắp cơ thể. Các nốt phỏng này tồn tại khoảng 4 ngày, khoảng từ ngày thứ 10 trở đi bắt đầu bong vảy và sẽ khỏi. Điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bọng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não… có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này. Để chủ động phòng chống bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp sau: hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường; tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Phượng Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.