Multimedia Đọc Báo in

Cần phát hiện và xử trí kịp thời lồng ruột ở trẻ

08:56, 09/11/2020

Lồng ruột là tai biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé có nhu động ruột mạnh. Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt, không nuôi được đoạn ruột bị lồng, có thể dẫn đến hoại tử. Vì vậy, phụ huynh cần nắm được các dấu hiệu lồng ruột ở trẻ để sớm đưa trẻ đi cấp cứu, can thiệp kịp thời.

Theo thống kê, trong số 1.000 trẻ thì có khoảng 3 – 5 trường hợp mắc bệnh lồng ruột. Bệnh có thể xảy ra mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là ở trẻ từ 5 - 9 tháng tuổi, nhất là những trẻ bụ bẫm. Trẻ trên 2 tuổi, tỷ lệ mắc chỉ khoảng 15% và tỷ lệ này càng giảm khi trẻ lớn lên. Khi trẻ bị lồng ruột, thức ăn phía trên khối lồng sẽ bị tắc nghẽn, ứ trệ (hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột); đồng thời, các mạch máu nuôi dưỡng cũng sẽ bị tắc nghẽn theo. Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng bị giãn to, mạch máu bị ứ trệ khiến đoạn ruột bị thiếu máu, dẫn tới quá trình viêm nhiễm, phù nề, hoại tử, xuất huyết.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện bất thường khi trẻ bị lồng ruột như: trẻ khóc thét vì đau bụng, nôn mửa, bỏ bú, sau đó bụng chướng căng, đại tiện phân máu lẫn nhầy và có thể toàn máu tươi. Các triệu chứng có thể dịu bớt trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó lại xuất hiện với mức độ nặng hơn như trẻ la hét, khóc thét từng cơn rồi mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê, dấu hiệu mất nước nặng cộng với các biểu hiện của nhiễm khuẩn nhiễm độc hoặc sốc do mất nước hay sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột…

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp XQ… để xác định chẩn đoán. Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.

Theo các bác sĩ, có tới 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp được cho là do các khối u, polyp của ruột; viêm nhiễm ruột cũng là một tác nhân thuận lợi cho lồng ruột xảy ra. Bất thường về giải phẫu ở ruột, tiền sử đã bị lồng ruột và trẻ em nam là những yếu tố dẫn tới nguy cơ cao bị lồng ruột.

Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, can thiệp kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.