Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

07:15, 08/01/2021

Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh về xương khớp như thoái hóa sụn khớp, đốt sống cổ, thoái hóa khớp gối.

Bệnh ảnh hưởng nhiều đến đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các bệnh lý về xương khớp cần được điều trị càng sớm càng tốt, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫn đến nguy cơ gãy xương ngay cả khi gặp phải chấn thương nhẹ.

Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều khớp. Khớp chính là phần tiếp nối giữa hai đầu xương trong cùng một cơ thể. Khi thoái hóa khớp, tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó là tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và dịch khớp. Các xương dễ bị thoái hóa nhất là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân. Biểu hiện đầu tiên có thể chỉ là cơn đau nhẹ thoáng qua hoặc đau khi cử động ở một vài khớp, tuy nhiên nếu không xử trí kịp thời, bệnh sẽ nặng hơn, cơn đau càng trầm trọng và tấn công thêm nhiều khớp khác.

Theo các chuyên gia về cơ xương khớp, có hơn 70% người trên 40 tuổi bị đau nhức xương khớp dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Các cơn đau nhức thường âm ỉ hoặc dữ dội, đặc biệt chuyển nặng vào những lúc thời tiết thay đổi, mưa lạnh, nắng nóng thất thường làm ảnh hưởng tới tuần hoàn máu, độ trơn nhớt của lượng dịch khớp và nồng độ của một số chất trong cơ thể khiến nhiều người gặp phải tình trạng đau nhức xương khớp.

 Khám sức khỏe cho người cao tuổi  tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Kim Nhật
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Kim Nhật

Bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó trưởng Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, mặc dù đau nhức xương khớp gây khó chịu nhưng tâm lý người bệnh thường chủ quan, ngại đi khám và xử trí cơn đau theo những kinh nghiệm của riêng mình hay các phương pháp dân gian như: chườm nóng, bôi dầu, xoa bóp, đắp thuốc lá, bấm huyệt, tự mua thuốc uống… Những cách này thường chỉ tạo cảm giác giảm đau ở thời điểm áp dụng mà không cải thiện được bệnh. Đồng thời cũng có nguy cơ gây ra hậu quả nguy hiểm nếu áp dụng thường xuyên như làm bỏng rát, viêm nhiễm vùng da bôi đắp thuốc, chườm nóng; hoặc các thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến gan, dạ dày. Đặc biệt, một số người quen dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm tác dụng nhanh để giải quyết cơn đau. Các thuốc tân dược này thường ẩn chứa nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe, như gây suy gan, thận, đau bao tử, viêm loét dạ dày, làm mục xương, phù nề.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, sau 30 tuổi, người bệnh nên đi khám sức khỏe xương khớp định kỳ, tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, các loại quả, hạn chế thịt, dầu mỡ, muối và các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá. Kiểm soát cân nặng và cần giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì nhằm giảm áp lực lên sụn các khớp. Duy trì thói quen tập luyện, vận động phù hợp, tránh các động tác mạnh, tránh thay đổi tư thế đột ngột, không nên ngồi một chỗ vì như vậy càng dễ khiến xương khớp hư hại nhanh hơn. Cần giữ ấm cơ thể, hạn chế để chân tay bị ẩm ướt liên tục, có thể ngâm chân, tay vào nước ấm khi trời quá lạnh hoặc trước khi đi ngủ...

Kim Oanh – Quang Nhật

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.