Multimedia Đọc Báo in

Những rào cản trong thực hiện chính quyền điện tử

08:52, 17/12/2019

Hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh (hệ thống iGate) được triển khai thí điểm trên địa bàn Đắk Lắk từ tháng 9-2016; đến tháng 10-2017 thì hệ thống này được UBND tỉnh khai trương đưa vào vận hành chính thức.

Được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hỗ trợ triển khai, hệ thống iGate được trang bị các công cụ, phương tiện cần thiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về trình tự, quy trình thực hiện việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính từ mức độ 2 đến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sau thời gian thử nghiệm, hệ thống iGate hoạt động khá ổn định, từ hơn 1.000 thủ tục hành chính công được cung cấp ban đầu ở các mức độ 2, mức độ 3, đến nay hệ thống đã cập nhật được hơn 1.200 thủ tục hành chính kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có thể cho phép người dùng đăng nhập, nộp hồ sơ tại Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của tỉnh hay Cổng Dịch vụ công của ngành, hồ sơ thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe còn cho phép người dân thực hiện khi không sinh sống tại địa bàn nơi cư trú...

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar). Ảnh: D. Tiến
Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar). Ảnh: D. Tiến

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện hệ thống iGate hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi các yếu tố chủ quan và khách quan.

Đơn cử như có công dân, doanh nghiệp đã lựa chọn thực hiện gửi nộp hồ sơ, thủ tục hành chính qua hệ thống, hồ sơ đã được cập nhật vào hệ thống song cán bộ tiếp nhận không thực hiện tiếp nhận để bắt đầu kích hoạt quy trình xử lý nên các hồ sơ đó vẫn đứng im khi người dân gửi vào hệ thống (theo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện yêu cầu kết nối vào Cổng Dịch vụ công quốc gia, có 44 hồ sơ nộp trực tuyến nhưng vẫn chưa được tiếp nhận, xử lý).

Hay trong đợt kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 1037/QĐ-UBND, ngày 7-5-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích cho thấy, đa số (khoảng hơn 70%) đơn vị cấp xã không thực hiện cập nhật tài liệu, hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận thực tế vào hệ thống iGate. Đó cũng là nguyên nhân chính trong hạn chế về tỷ lệ hồ sơ phát sinh khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh trong hệ thống chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đơn vị chưa chú trọng đầu tư các trang thiết bị cần thiết, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động công vụ, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Số máy tính có năng lực chưa được trang cấp, bố trí phù hợp với đối tượng sử dụng; máy quét tài liệu - số hóa tài liệu chưa được trang bị đầy đủ; nhiều nơi cơ sở vật chất cũ, chưa phù hợp hay cá biệt có một số nơi dù điều kiện cơ sở vật chất rất tốt nhưng đơn vị dự kiến bố trí làm việc ở đó không đến làm việc...

Sau khi các đoàn kiểm tra đến làm việc, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan mới quan tâm bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị, sửa chữa, bố trí, nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất… để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và xử lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống iGate của cơ quan, đơn vị. Điều đó cho thấy, giải quyết khó khăn này cần nhất là nhận thức, sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND huyện Cư M'gar giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.  Ảnh: L.Anh
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND huyện Cư M'gar giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: L.Anh

Mặt khác, các yếu tố khách quan về thể chế, các quy định, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, các vấn đề về liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung và chuyên ngành; năng lực sử dụng các hệ thống phương tiện, trang thiết bị mới có yêu cầu cao về kỹ năng... đối với một bộ phận lớn cán bộ, công chức, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị vẫn đang còn là những trở ngại rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh nói chung và các cơ quan, đơn vị nói riêng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính, thiết nghĩ cần thực hiện nhiều giải pháp vừa phải bảo đảm sự đồng bộ, tính hệ thống và vừa đi vào chiều sâu; thậm chí phải phân tích, phân hóa nhóm đối tượng có nhu cầu, đối tượng điều chỉnh của các dịch vụ công, từng dịch vụ công để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của đối tượng sử dụng. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng cho các đối tượng quản lý cấp cơ sở, từ cấp độ tổ dân phố, liên gia... trở lên để việc thực hiện giao dịch với hệ thống dịch vụ công của địa phương và quốc gia không còn xa lạ, khó sử dụng và mơ hồ đối với người dân, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.

Ra Lan Trương Thanh Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.