Multimedia Đọc Báo in

Ứng phó với dịch bệnh do nCoV: Tạm bỏ quy định khách hàng phải tháo khẩu trang khi đến ngân hàng

21:58, 02/02/2020
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
 
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là từ nay cho đến khi thông báo hết dịch của cơ quan chức năng, các ngân hàng không yêu cầu khách hàng đến giao dịch phải tháo bỏ khẩu trang trước khi vào trụ sở như NHNN đã quy định tại văn bản số 7777/NHNN-PHKQ ngày 16-10-2018 về việc tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm cướp tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải tăng cường các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền để bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong giao dịch và trong kho tiền; ngăn chặn các trường hợp lợi dụng dể gây mất an ninh, an toàn khi giao dịch.
 
Khách hàng giao dịch tại một đơn vị trực thuộc Agribank Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)
Khách hàng giao dịch tại một đơn vị trực thuộc Agribank Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)
 
Đối với các giao dịch, hoạt động bắt buộc phải nhận diện khách hàng, nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng tạm thời tháo bỏ khẩu trang để nhận diện. Sau khi hoàn thành thủ tục, khách hàng tiếp tục đeo khẩu trang (nếu có nhu cầu) trong quá trình giao dịch. Nhân viên ngân hàng có thể sử dụng khẩu trang khi thực hiện giao dịch, tiếp xúc với khách hàng nếu cần thiết.
 
NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế, hoãn tổ chức hội, họp đông người không cấp thiết trong thời gian phòng, chống dịch.
 
Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế, tính đến 21 giờ ngày 2-2, Việt Nam đã có 7 trường hợp nhiễm bệnh do nCoV, trong đó có 4 người Việt Nam, 1 người Việt quốc tịch Mỹ, 2 người Trung Quốc (1 người đã khỏi).
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.