Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh bạch hầu

10:08, 16/07/2020

Chỉ mới hơn một tuần kể từ khi ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện các ca bệnh mới ở nhiều địa phương. Đặc biệt, các ca bệnh được ghi nhận ở nhiều lứa tuổi và hầu hết đều không tiếp xúc với ca bệnh dương tính trước đó. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ TRỊNH QUANG TRÍ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) chung quanh nội dung này. 

* Thưa bác sĩ, những ngày qua, dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bác sĩ có thể thông tin khái quát tình hình về dịch bệnh này?

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông đều đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tính đến chiều 15-7 đã có trên 80 trường hợp mắc bệnh, 3 trường hợp tử vong. Riêng tại Đắk Lắk, ngày 7-7 đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bạch hầu đầu tiên tại xã Bông Krang, huyện Lắk và đến sáng 16-7 con số này đã tăng lên 12 trường hợp tại 5 địa phương là Lắk,  M’Đrắk, Cư Mgar, Krông Bông và Cư Kuin.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.

* Theo bác sĩ, trong hai năm gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại ở khu vực Tây Nguyên là xuất phát từ nguyên nhân nào?

Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm có vắc xin chủng ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, việc tiêm vắc xin bạch hầu sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm tối đa nguy cơ tử vong. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985, do đó những người trên 35 tuổi từ trước đến nay chưa từng được tiêm vắc xin có chứa thành phần bạch hầu. Với những trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày vừa qua có một số là người trên 35 tuổi và một số là trẻ em nhưng hầu hết là trẻ 6 - 7 tuổi trở lên. Có nhiều ca mắc bạch hầu xảy ra đồng thời tại các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu là do người mắc bệnh chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ nên chưa có miễn dịch đối với bạch hầu, dẫn đến sự lây lan của bệnh này.

* Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã có những biện pháp gì để khoanh vùng ổ dịch, hạn chế lây lan rộng, thưa bác sĩ?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tốc độ lây lan cao, từ một ca ban đầu nếu không kiểm soát có thể lây lan cho 7 trường hợp khác. Một biến chứng rất nguy hiểm của bạch hầu đó là vi khuẩn có thể sinh độc tố và gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong. Trước tình hình như vậy, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Hiện nay, các đơn vị đã thực hiện giám sát, rà soát kỹ tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm họng và tăng cường giám sát ca bệnh nghi ngờ ở các xã vùng sâu vùng xa, khi phát hiện ca bệnh lập tức khoanh vùng, cách ly các khu vực đó. Về vấn đề điều trị người bệnh, khối bệnh viện sẽ thực hiện, còn về phía cộng đồng sẽ thực hiện chốt chặn cách ly để người dân ở khu vực có ca bệnh không di chuyển đến các địa phương khác; dùng kháng sinh dự phòng Erythromycine cho người dân ở khu vực xung quanh ca bệnh. Song song với đó là tiến hành vệ sinh môi trường, sử dụng hóa chất để phun khử khuẩn tại các hộ gia đình. Song, về lâu dài bắt buộc chúng ta phải thực hiện biện pháp tiêm chủng những loại vắc xin có phòng bệnh bạch hầu mới khống chế được dịch bệnh này lây lan. 

Một trẻ ở huyện cư Mgar mắc bạch hầu điều trị tại cơ sở y tế.
Một trẻ ở huyện Cư M'gar mắc bạch hầu điều trị tại cơ sở y tế.

* Bác sĩ có thể cho biết công tác tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được thực hiện như thế nào trên địa bàn tỉnh?

Hiện nay, vắc xin chứa bạch hầu có trong vắc xin 5 trong 1 tiêm cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Trong tình hình tỉnh ta đang có dịch bạch hầu, ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh có con từ18 tháng tuổi trở xuống phải tiêm đầy đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với những trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi, trước đây chưa được tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 thì phải tiêm nhắc lại một mũi vắc xin chứa 3 thành phần bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT). Đối với những trẻ từ 4 tuổi trở lên trước đây đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc chưa đầy đủ thì trong lần này cũng phải tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin bạch hầu - uốn ván (Td) cách nhau 1 tháng.

Theo Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên, toàn bộ người dân từ 4 tuổi trở lên trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiêm vắc xin chứa 2 thành phần bạch hầu - uốn ván (Td) miễn phí. Tuy nhiên việc triển khai như thế sẽ tốn rất nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Do vậy, ngay trong tuần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế tổ chức triển khai tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván cho tất cả người dân ở các xã đang có dịch và toàn bộ cán bộ y tế trong ngành, tiếp đến sẽ tiêm ở các xã được đánh giá là vùng lõm về tiêm chủng. Sau đó là tiêm cho tất cả người dân trong tỉnh. Do đó, khi các trạm y tế xã, phường, thị trấn có những thông báo về kế hoạch và thời gian tiêm cụ thể sẽ mời người dân đến điểm tiêm để tiêm phòng nhằm đạt được tỷ lệ miễn dịch trên 90% trở lên như mục tiêu đề ra, bởi phải đạt được tỷ lệ này thì mới khống chế bệnh bạch hầu một cách bền vững. 

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, lấy mấu xét nghiệm đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông

* Ngoài việc tiêm vắc xin, người dân cần phải làm gì để phòng chống bệnh bạch hầu?

Vắc xin bạch hầu là vắc xin có nguồn gốc từ giải độc tố bạch hầu nên không ngăn được người lành mang trùng. Trong khi đó, vi khuẩn bạch hầu có thể sống được đến 6 tháng trên bề mặt quần áo, vật dụng, đồ dùng trong nhà trong môi trường ẩm, thiếu ánh sáng. Đây là một trong những nguồn lây mà chúng ta khó xác định được. Do vậy, ngoài vấn đề tiêm chủng, người dân cần phải thực hành vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng miệng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tất cả quần áo, chăn màn, … phải được giặt, phơi ngoài trời, vì dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn có thể bị tiêu diệt sau vài giờ.

*Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.