Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Thực trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở vùng ngoại ô

06:31, 06/01/2021

Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk tiến hành lấy mẫu thử nghiệm chất lượng nước giếng đào tại 5 xã, phường khu vực ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột.

Kết quả, hầu hết các mẫu nước thử nghiệm đều có chỉ số E.Coli, Coliform và nitrat vượt ngưỡng tiêu chuẩn so với Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Với nhiều hộ dân tại các vùng ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột, nước giếng đào, giếng khoan vẫn là nguồn nước chính được sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước này đã không còn an toàn, tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho sức khỏe con người.

Theo kết quả 30 mẫu thử nghiệm chất lượng nước giếng đào của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk tại 5 xã, phường khu vực ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột ngày 24-11-2020 cho thấy: có 30/30 mẫu có chỉ số E.Coli và Coliform vượt ngưỡng tiêu chuẩn (Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT là E.Coli 100 ml và Coliform < 3/100 ml), trong đó có 23/30 mẫu E.Coli > 20/100ml và 23/30 mẫu Coliform > 150/100ml. Coliform được coi là vi khuẩn chỉ định thích hợp để đánh giá chất lượng nguồn nước uống, nước sinh hoạt. Coliform thường tồn tại trong thiên nhiên và không đặc hiệu cho sự ô nhiễm phân. Tuy nhiên, trong nhóm vi khuẩn Coliform có phổ biến là Escherichia Coli (thường được viết tắt là E.Coli hay còn được gọi là vi khuẩn đại tràng), là một loại vi khuẩn thường có trong hệ tiêu hóa của người. Sự phát hiện vi khuẩn E.Coli cho thấy nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm phân. Việc nguồn nước nhiễm E.Coli có thể gây nhiều vấn đề về sức khỏe cho người sử dụng như tiêu chảy; ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí tử vong.

Các chỉ số E.Coli, Coliform, nitrat trong mẫu nước thử nghiệm vượt ngưỡng tiêu chuẩn so với tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.
Các chỉ số E.Coli, Coliform, nitrat trong mẫu nước thử nghiệm vượt ngưỡng tiêu chuẩn so với tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm cũng cho thấy có 23/30 mẫu có chỉ số nitrat (NO3) dao động từ 2,27÷167mg/l tính theo N, vượt ngưỡng tiêu chuẩn hơn 80 lần (Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT; NO3 ≤ 2mg/l tính theo N). Hàm lượng nitrat trong nước khá cao có thể gây độc hại với người, vì nitrat có khả năng chuyển hóa thành nitrit trong hệ thống tiêu hóa, nitrit oxy hóa sắt trong hemoglobin của các tế bào hồng cầu biến thành methemoglobin mất khả năng vận chuyển oxy, gây bệnh xanh xao thiếu máu. Nếu sử dụng lâu dài nguồn nước nhiễm nitrat sẽ không có lợi cho sức khỏe con người, có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, sinh quái thai…

Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm bẩn này, trong đó, nguyên nhân chính được xác định là do những hóa chất độc hại chưa qua xử lý đã được xả trực tiếp vào môi trường, đặc biệt là chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt thuộc các khu dân cư, chất thải động vật…

Hiện nay, ở các vùng ngoại ô thành phố, chăn nuôi gia súc gia cầm từ quy mô nhỏ lẻ theo nông hộ đến trang trại đang diễn ra tràn lan, phổ biến, không có quy hoạch. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chưa xây dựng được hệ thống xử lý chất thải phù hợp đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng trở nên trầm trọng. Thêm vào đó, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, việc nhiễm bẩn từ bể phốt, chất thải công nghiệp… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm; về lâu dài việc sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt, đặc biệt là dùng trong ăn uống sẽ vô cùng nguy hiểm.

Chị Đỗ Thị Kim Liễu (trú đường 21B, xã Hòa Thuận), hộ có mẫu nước thử nghiệm có chỉ số E.Coli và Coliform cao nhất (E.Coli là 80 CFU/100ml, Coliform là 490 CFU/100ml, vượt ngưỡng tiêu chuẩn hơn 160 lần), chỉ số nitrat cũng rất cao (13,2 CFU/100ml tính theo N) cho biết, gia đình chị sử dụng giếng đào sâu 27 m để dùng sinh hoạt và ăn uống. Tuy nhiên, gia đình chị không chăn nuôi gia súc, hệ thống nhà vệ sinh cũng được xây dựng hầm rút cách xa giếng nước nên chị không biết nước giếng của gia đình mình lại bị ô nhiễm nặng như thế. Chị Liễu băn khoăn: “Nguồn nước giếng của gia đình tôi có thể bị nhiễm bẩn do hàng xóm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện gia đình đã lắp đặt hệ thống nước sạch của thành phố nhưng chưa đưa vào sử dụng do vướng nhà kho và cà phê, xong mùa thu hoạch này tôi sẽ bắc đường ống để sử dụng nước sạch cho gia đình mình ngay”.

Chưa xây dựng được hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm là nguyên nhân  gây ô nhiễm nguồn nước.
Chưa xây dựng được hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế), ở vùng ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột, người dân chủ yếu vẫn sử dụng nước giếng đào, nước giếng khoan để sinh hoạt. Ông Trí nhấn mạnh: “Với nồng độ E.Coli và Coliform cao như vậy chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân khi sử dụng nguồn nước này thì nên đun sôi trước khi sử dụng, đồng thời nên xem lại nguồn nước ngầm mình đang sử dụng có gần với nguồn thải như nhà vệ sinh, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm hay không vì nguồn nước bẩn có thể ngấm xuống làm ô nhiễm nước ngầm. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là sử dụng nước từ hệ thống cấp nước chung của thành phố”.

Trước tình trạng nguồn nước ngầm ở khu vực này đang bị nhiễm bẩn, việc sử dụng nước giếng đào, giếng khoan có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, thiết mong các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Bởi quan tâm đến vấn đề nguồn nước sinh hoạt cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân..

Hiếu Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.