Multimedia Đọc Báo in

Tại sao nên đổi tên "Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du" thành "Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại"?

06:58, 03/01/2021

Nằm ở vị trí trung tâm của TP. Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du (gọi tắt là di tích) có diện tích gần 6,5 ha, gồm một tòa biệt điện từng là nơi ở, làm việc của vua Bảo Đại và một nhà quản gia trông coi thú (Nhà nài voi). 

Sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích

Trước năm 1905, di tích này nguyên là nhà hàng Maison Lefévre. Đến năm 1914, Sabatier về làm Công sứ tại Đắk Lắk đã chọn địa điểm này xây dựng công sở được gọi là Tòa đại lý quận trưởng. Năm 1926, sau khi đến thay Công sứ Sabatier, Công sứ Giran đã cho cải tạo và xây dựng tòa nhà như hiện nay, được gọi là Tòa công sứ (Résidence), người dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (nhà ông lớn). Tháng 11-1947 sau khi được Chính phủ Pháp bảo lãnh đưa về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng, Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc trong khu vực này gần 8 tháng (từ tháng 11-1947 đến khoảng tháng 5-1948). Sau đó vào những năm 1949 – 1954, hằng năm Bảo Đại thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt điện Bảo Đại. Từ đó, tên gọi "Biệt điện Bảo Đại" đã đi vào tiềm thức của người dân Tây Nguyên và tồn tại cho đến ngày nay.

Trong những năm sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, vua Bảo Đại đã có nhiều ảnh hưởng trong quá trình chỉnh trang Buôn Ma Thuột. Sau Chiến dịch Tây Nguyên xuân 1975, di tích là trụ sở đầu tiên của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến sau năm 1976, Biệt điện Bảo Đại được chuyển thành “Nhà khách Biệt điện” của tỉnh, là nơi đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước khi đến Đắk Lắk công tác. Ngày 26-1-1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích quốc gia đối với “Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du”. Vì nhiều lý do khác nhau, tên gọi của di tích đã được đặt theo địa chỉ đường phố.

Kiến trúc độc đáo của Biệt điện Bảo Đại.    Ảnh: Đức Văn
Kiến trúc độc đáo của Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: Đức Văn

Sự cần thiết đổi tên di tích

Từ tháng 4-1996 đến tháng 11-2011, tỉnh Đắk Lắk sử dụng Biệt điện Bảo Đại làm nơi trưng bày phần văn hóa các dân tộc. Đến ngày 21-11-2011, Bảo tàng Đắk Lắk bàn giao để Ban Quản lý di tích của tỉnh tiếp tục nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Di tích đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về vị vua cuối cùng của Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến Việt Nam.

Cách đây hàng chục năm, trong quá trình chỉnh trang đô thị, tuyến đường Nguyễn Du (đoạn đi qua Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du) đã được điều chỉnh thành đường Y Ngông nên địa chỉ mới của Di tích là số 2 Y Ngông. Theo đó tên gọi “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” đã không còn phù hợp. Mặt khác, Biệt điện Bảo Đại đã trở thành tên gọi quen thuộc, thường xuyên, được nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Do đó, việc đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” sẽ thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị, công năng của di tích; đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và học tập của công chúng khi đến với Biệt điện Bảo Đại. Việc đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” là phù hợp với quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tên gọi di tích phải gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích. Vì vậy, ngày 24-12-2020, UBND tỉnh đã có văn bản số 155/TTr-UBND đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi tên “Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại”.

 Đặng Gia Duẩn (Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL)

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.