Multimedia Đọc Báo in

Những giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

09:28, 10/11/2019

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực hiện công tác chuyên môn, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông RA LAN TRƯƠNG THANH HÀ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

°Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua? Quá trình thực hiện có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước gồm 6 nội dung: hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT; cổng thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ hành chính công; các chính sách, quy định cho ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực.

Đến nay, hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử công vụ, hệ thống dịch vụ hành chính công và cổng thông tin điện tử của tỉnh đã đưa vào vận hành khá ổn định với số lượng người sử dụng và lưu lượng thông tin trao đổi ngày càng tăng, khoảng hơn 44.000 tài khoản; cổng dịch vụ hành chính công đã bổ sung dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ra Lan Trương Thanh Hà.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ra Lan Trương Thanh Hà.

Việc phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, từ đó bước đầu tạo những thói quen, kỹ năng nghiệp vụ tốt để cán bộ, công chức tiếp cận với các ứng dụng mới như: chữ kỹ số, chứng thực số…

Bên cạnh những thuận lợi trên, thì vẫn còn nhiều khó khăn như: do tiếp nhận khối lượng văn bản lớn trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đa phần các ứng dụng CNTT được triển khai tại các đơn vị vẫn mang tính rời rạc, mới giải quyết được công việc cục bộ, chưa kết nối thành một hệ thống nên việc liên thông, xử lý công việc giữa các cơ quan, đơn vị chưa được thông suốt.

°Thưa ông, xây dựng đô thị thông minh là xu hướng phát triển tất yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền. Vậy việc xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến nay đã đạt kết quả ra sao và lộ trình xây dựng trong thời gian tới như thế nào?

Xây dựng đô thị thông minh là hướng đến ứng dụng CNTT để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực hiện xây dựng đô thị thông minh, UBND tỉnh đã có những hợp tác chiến lược với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và lựa chọn xây dựng thí điểm ở TP. Buôn Ma Thuột. Đề án này đã manh nha triển khai từ năm 2016. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Viễn thông Đắk Lắk hoàn chỉnh các nội dung của đề án, học tập mô hình đô thị thông minh của TP. Huế và Đà Lạt theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự kiến thời gian xây dựng đề án từ năm 2019 – 2023.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Krông Năng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm việc.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Krông Năng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm việc.

°Chỉ số ICT Index là một trong những thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng CNTT và truyền thông của tỉnh. Năm 2018 chỉ số ICT Index của Đắk Lắk giảm 3 bậc so với năm 2017. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp cụ thể nào để cải thiện chỉ số này?

Nguyên nhân chỉ số ICT Index của Đắk Lắk năm 2018 đạt thấp, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước là do hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh chưa được triển khai trên diện rộng. Tỷ lệ đào tạo tin học trong trường phổ thông chỉ đạt 87%, các trường đại học đứng chân trên địa bản tỉnh chưa có Khoa Công nghệ thông tin nên các chỉ số liên quan đến giáo dục, đào tạo giảm 42 bậc. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách về CNTT ở các cơ quan, địa phương chưa bảo đảm về số lượng và chuyên ngành đào tạo nên các hoạt động triển khai theo mức độ chuyên gia, quản trị mạng còn hạn chế.

Để cải thiện chỉ số ICT Index trong thời gian tới, theo tôi, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cấp, ngành rà soát, đánh giá đúng thực trạng để đề ra phương hướng, bố trí kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh để gửi, nhận, xử lý, lưu trữ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các tổ chức được thông suốt, liên tục và bảo đảm an toàn; bố trí nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT đạt kết quả cao.

°Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.