Multimedia Đọc Báo in

Chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

09:10, 24/10/2020

Trước tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông ĐINH XUÂN HÀ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua?

Tỉnh Đắk Lắk có lợi thế lớn về đất đai, điều kiện tự nhiên để thu hút nhiều nhà đầu tư. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhờ đó giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh đã lựa chọn được 318 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 30.800 tỷ đồng; trong đó gần 100 dự án đã hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động, với số vốn khoảng 7.500 tỷ đồng; 222 dự án đầu tư đang thực hiện thủ tục hoặc đang trong quá trình triển khai.

Hiện tại có một số dự án lớn được đầu tư vào tỉnh như: Dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện, công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng - đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến đầu tháng 11-2020 sẽ phát điện; Dự án chăn nuôi của Tập đoàn Hùng Nhơn mới khởi công giai đoạn 1 tại huyện Cư M’gar, có tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng; Dự án điện gió tại xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) đang trong quá trình công bố danh mục để lựa chọn nhà đầu tư, có công suất 400 MW, tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng …

Để Đắk Lắk trở thành "điểm dừng chân" lý tưởng của nhà đầu tư, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư như thế nào, thưa ông?

Tỉnh Đắk Lắk là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vì vậy theo quy định của Trung ương các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được miễn giảm tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư ở các huyện, thị xã thì thời gian miễn giảm được nhiều hơn khi đầu tư ở TP. Buôn Ma Thuột; nếu kết hợp đầu tư trên địa bàn với ngành nghề đặc biệt khuyến khích đầu tư thì sẽ được miễn giảm tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp với thời gian dài hơn.

Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk đang từng bước khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19.
Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk đang từng bước khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành thêm nhiều chính sách ưu đãi để cải thiện môi trường đầu tư như: chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, môi trường…; chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; cùng với đó là ban hành văn bản chỉ đạo từng sở, ngành phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải cách các thủ tục hành chính, thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đây là bước ngoặt trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và tổ chức.

Thưa ông, trước tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, đón thời cơ phát triển như thế nào?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó tập trung tiếp nhận, xử lý gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên 800 doanh nghiệp với số tiền gia hạn gần 200 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ 10.991 trường hợp là cá nhân kinh doanh gặp khó khăn trong quá trình hoạt động; không kiểm tra định kỳ báo cáo quyết toán sử dụng nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu và tạm dựng các cuộc thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp có thời gian tập trung khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Các tổ chức tín dụng cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 2.982 khách hàng với dư nợ 892 tỷ đồng; miễn giảm 8,65 tỷ đồng tiền lãi vay cho 8.544 khách hàng; hỗ trợ hơn 18.800 khách hàng vay với lãi suất ưu đãi thấp… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công để giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.