Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày Biên phòng toàn dân (3-3)

Những người lính "vác tù và hàng tổng"

09:18, 02/03/2018

Không toan tính lợi ích cá nhân, họ luôn trăn trở, tìm mọi cách để đóng góp xây dựng vùng biên thêm yên bình, phát triển. Nói đến họ, bà con vùng biên không chỉ cảm kích mà còn hết lời khen ngợi. Họ là những người lính quân hàm xanh chân chất, bình dị, sẵn sàng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Của cho không bằng cách cho

Giản dị, nhẹ nhàng, không ồn ào, phô trương là những gì bà con và đồng đội cảm nhận được ở Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc (Trưởng Ban Vận động quần chúng, Bộ đội Biên phòng tỉnh). Hơn nửa đời người gắn bó với biên cương, coi bà con vùng biên như người thân nên anh luôn suy nghĩ cách hỗ trợ họ vươn lên trong cuộc sống. Anh tâm niệm, của cho không bằng cách cho. Đôi khi món quà tuy giá trị vật chất không cao, nhưng nếu được tặng bằng sự chân thành, thì người nhận sẽ cảm thấy ý nghĩa, quý trọng nó hơn.

 Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc (bên phải) trò chuyện,  động viên  gia đình  học sinh  có hoàn cảnh khó khăn  trên địa bàn  xã Ea Bung.
Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc (bên phải) trò chuyện, động viên gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ea Bung.

Thời gian làm cán bộ tăng cường phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội xã Ea Bung (huyện Ea Súp), hằng ngày, anh chứng kiến học sinh vùng biên chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ, có em vì quá khó khăn phải đi bộ hàng cây số tới trường. Nhớ đến gia đình có xe đạp ít dùng tới, anh tranh thủ thời gian sửa chữa, mang lên biên giới tặng học sinh.

Chính ánh mắt hạnh phúc của những đứa trẻ đã thôi thúc anh tiếp tục thực hiện ý định của mình là vận động hàng xóm, bạn bè, thậm chí mua lại xe. Có được xe, anh hì hụi sửa chữa, rồi tiếp tục bỏ tiền túi để thuê người chở lên biên giới tặng các em. Từ năm 2014 đến nay, người lính quân hàm xanh ấy đã trao trên 100 xe đạp, góp phần chở hàng trăm ước mơ đến gần hơn với học sinh khó khăn của các xã biên giới.

Cùng ăn, cùng ở với dân, nhận thấy một số chi bộ thôn hoạt động thiếu hiệu quả, anh đã mạnh dạn tham mưu cho địa phương xây dựng, củng cố lại. Tại Chi bộ thôn 9 – nơi anh phụ trách, anh đã trích thu nhập cá nhân để tu sửa hội trường thôn, trồng cây xung quanh khuôn viên, khiến nơi làm việc thêm khang trang, ấm áp. Những việc làm bình dị của anh đã góp phần thúc đẩy hoạt động chi bộ dần đi vào nền nếp, phát triển thêm nhiều đảng viên mới.

Không những vậy, thời gian công tác tại Đồn Biên phòng Ia R’vê, anh đã cùng đồng đội vận động, quyên góp tặng áo quần, trên 600 quyển sách cho học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An; đồng thời cùng các nhà hảo tâm tặng hàng trăm suất quà cho bà con vùng biên dịp lễ, Tết.

Nặng lòng với công tác xóa mù chữ

Có nhiều năm gắn bó với biên cương, trăn trở về tình trạng mù chữ, Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo đã mạnh dạn tham mưu chính quyền, địa phương triển khai các lớp xóa mù chữ. Từ năm 2012 đến nay, anh đã phối hợp thực hiện thành công 3 lớp học xóa mù chữ với gần 100 học viên. Hiện lớp học xóa mù trên địa bàn xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) đang có hơn 30 học viên.

Lớp học xóa mù chữ do Đại úy Phạm Văn Hiếu cùng đồng đội trực tiếp giảng dạy.
Lớp học xóa mù chữ do Đại úy Phạm Văn Hiếu cùng đồng đội trực tiếp giảng dạy.

 

Với nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ở vùng biên giới của tỉnh, năm 2017, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc và Đại úy Phạm Văn Hiếu đã vinh dự được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, tuyên dương “Chiến sĩ quân hàm xanh, nâng bước em đến trường” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức; được Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt, động viên và tặng quà; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Kế hoạch thì đơn giản, nhưng để vận động được người dân tộc thiểu số, có độ tuổi từ 20 – 60 đến lớp thật không dễ dàng. Anh tâm sự: “Đa phần các đối tượng mù chữ thuộc diện nghèo khó, quanh năm chỉ biết quần quật ruộng đồng, trong khi tuổi tác đã cao khiến phần lớn ngại đến lớp”.

Để vận động được người dân, anh cùng đồng đội đã trực tiếp khảo sát thực tế, đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, đồng thời cam kết hỗ trợ các gia đình ngày công lao động nếu họ cần. Cùng với việc dạy chữ, anh và các đồng đội còn trò chuyện tâm tình, tổ chức trò chơi, giao lưu văn nghệ, trao thưởng nhằm tạo động lực cho các học viên. Nhờ đó, sĩ số lớp luôn đầy đủ, dù chỉ mới học chữ được ít tháng, nhưng một số người đã có thể đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính đơn giản.

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc trao xe đạp, tặng học sinh khó khăn.
Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc trao xe đạp, tặng học sinh khó khăn.

Không chỉ vậy, Đại úy Phạm Văn Hiếu còn bỏ nhiều công sức, thời gian, thậm chí tiền túi để nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình kinh tế giúp dân xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến mô hình: trồng cây bí cao sản, trồng cây khoai môn, chăn bò, nuôi vịt trời, nuôi dê… Cùng với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật, anh còn cùng đồng đội giúp đỡ các gia đình ngày công lao động. Nhờ sự tận tâm của những người lính quân hàm xanh như anh mà một số gia đình ở các xã vùng biên: Ia R’vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp) đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.