Multimedia Đọc Báo in

Tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp

06:17, 04/10/2020

Phong trào tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp được tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện nhiều năm qua nhằm giáo dục cho đoàn viên, thanh niên nhận thức đúng đắn ý nghĩa của việc tiết kiệm, cũng như trân quý thành quả lao động.

Trong môi trường quân ngũ, các chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự gần như được bảo đảm đầy đủ vật chất để phục vụ công tác huấn luyện, học tập, đời sống hằng ngày. Cùng với đó, trung bình mỗi tháng, chiến sĩ trẻ được nhận phụ cấp trên 800 nghìn đồng/người. Tuy vậy, một số chiến sĩ đến ngày xuất ngũ không tích lũy được tiền phụ cấp, thậm chí để xảy ra tình trạng nợ nần do chi tiêu quá đà.

Trước thực tế này, Liên Chi đoàn 303 (Trung đoàn 584) đã tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, diễn đàn nhằm tuyên truyền, nhắc nhở chiến sĩ chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí trong chiến sĩ. Cứ mỗi đợt tiếp nhận chiến sĩ mới, đơn vị thường tổ chức ký kết giao ước phong trào thi đua thực hành tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp với nhiều nội dung, chỉ tiêu. Trong đó, phấn đấu 100% đoàn viên, thanh niên trong Liên Chi đoàn đăng ký và sử dụng tài khoản tiết kiệm; phấn đấu 1 đoàn viên, thanh niên tiết kiệm tối thiểu 200 nghìn đồng/tháng, trong thời gian tại ngũ tiết kiệm ít nhất 4,8 triệu đồng/người. 100% đoàn viên, thanh niên nói không với các tệ nạn xã hội, lô đề, cắm, ký nợ quán, nợ căng tin, vi phạm các quy định về hút thuốc lá; có kế hoạch sử dụng phụ cấp hàng tháng hợp lý; không có đoàn viên, thanh niên nợ quá số tiền quy định tại căng tin (500 nghìn đồng/người/tháng)…

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuyện trò, động viên chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ  sau khi xuất ngũ.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuyện trò, động viên chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sau khi xuất ngũ.

Thiếu tá Phạm Ngọc Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn 303 cho hay, từ khi triển khai phong trào, việc tiết kiệm chi tiêu được nhiều bạn trẻ ý thức rất tốt và thực hành bằng nhiều cách. Mỗi tháng khi nhận được phụ cấp, có chiến sĩ tự cân đối chi tiêu, trích khoản tiền “của để dành” để thực hiện dự định trong tương lai; có người gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống, lại có người gửi ngân hàng để tiết kiệm, hay trả lãi, gốc hằng tháng… Tuy khác nhau về mục đích, song tất cả đều thể hiện được tinh thần trách nhiệm của người quân nhân đối với chính mình, biết san sẻ với người thân, gia đình và xã hội.

Từ khi nhập ngũ đến nay, Binh nhất Y Răng Di Byă (Trung đội 5, Đại đội 6, Tiểu đoàn 303) đều đặn tiết kiệm mỗi tháng 300 nghìn đồng để gửi về cho bố mẹ. Chàng trai quê Krông Bông thổ lộ, gia đình đông anh chị em, bố mẹ làm nông nên cuộc sống còn khó khăn, vất vả. Vẫn biết, số tiền gửi về cho gia đình không thực sự nhiều, nhưng được cùng bố mẹ hỗ trợ các em ăn học, có thêm kinh phí trang trải cuộc sống là điều anh luôn cố gắng. Về phía gia đình khi biết anh chăm chỉ luyện rèn, có chí tiến thủ, biết yêu thương mọi người nên rất tự hào và tin tưởng.

 

Phong trào tiết kiệm là một nét đẹp, lan tỏa rộng khắp trong tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh. Tham gia phong trào, chiến sĩ trẻ không chỉ nhân lên tinh thần, trách nhiệm của bản thân, mà còn thể hiện sự trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, hành động".

 
Thiếu tá Phạm Ngọc Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Cũng từ việc tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, rất nhiều chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã có vốn “lận lưng” kha khá để thực hiện ước mơ. Chàng trai trẻ Mlô Y Yức (từng là chiến sĩ Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584) là một ví dụ. Anh cho hay, những ngày trong quân ngũ, khi nhận được phụ cấp anh thường chia nhỏ số tiền cho nhiều việc khác nhau, trong đó đặt ra mục tiêu là phải tiết kiệm được ít nhất từ 300 – 400 nghìn/tháng. Tích tiểu thành đại, đến ngày xuất ngũ, anh tích lũy được vốn liếng kha khá để mua điện thoại, góp vốn liếng cùng bạn bè mở shop áo quần. Không chỉ anh, nhiều đồng đội ngày đó cũng nhờ biết tiết kiệm phụ cấp nên có thêm kinh phí gửi về giúp gia đình, vợ con hằng tháng.

Giữ nếp quen, nhiều bạn trẻ sau khi hoàn thành huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 303 và được biên chế về Đại đội 2 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp), Đại đội 5 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn) tiếp tục duy trì tiết kiệm mỗi tháng.

Thượng úy Phan Lê Anh, Chính trị viên phó Đại đội 2 cho biết, đơn vị thường xuyên nhắc nhở và khích lệ chiến sĩ tiết kiệm phụ cấp để làm việc có ích cho bản thân, gia đình, xã hội; đồng thời hướng dẫn cách chi tiêu, giữ tiền hợp lý. Có rất nhiều bạn hưởng ứng tích cực việc làm này, mỗi tháng tiết kiệm được từ 500 – 800 nghìn đồng như: Trần Xuân Hiền, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Trung Quốc, Dương Văn Cường, Y Bloanh Mlô, Ksor Trần Tuấn Vũ… Ngoài khéo tiết kiệm, các bạn còn là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần đoàn kết tập thể.

Đại diện các Chi đoàn thuộc Liên chi đoàn 303 ký kết giao ước thực hiện phong trào tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp.
Đại diện các Chi đoàn thuộc Liên chi đoàn 303 ký kết giao ước thực hiện phong trào tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp.

Không chỉ lan tỏa phong trào tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp, tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh còn chung tay thực hiện nhiều việc làm hay, nhằm nhân lên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đơn cử như thực hiện phong trào “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Hũ gạo vì người nghèo”… Qua đó góp phần gây quỹ giúp đỡ các địa phương, đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; gia đình thương binh liệt sỹ, đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.