Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Australia

11:12, 10/08/2019

Nói đến Australia người ta thường nghĩ đến những chú kanguru hay kỳ quan thế giới – nhà hát vỏ sò Sydney Opera House. Ở đất nước xinh đẹp này, người dân còn rất có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đầu năm 2013, tôi đặt chân đến thành phố Adelaide, thủ phủ bang Nam Úc để làm nghiên cứu sinh. Ngược với Việt Nam, ở Australia đầu năm là mùa hè. Cũng như những sinh viên khác, chúng tôi phải thuê nhà để trọ học. Ở nhà trọ, một điều làm tôi ngạc nhiên là trên cửa của phòng tắm có ghi “Australia là đất nước khô hạn nên đề nghị mỗi người sử dụng nước tiết kiệm, thời gian tắm tối đa là năm phút”. Là người mới sang nên chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề tiết kiệm nước. Sau này đi lấy mẫu thí nghiệm mới biết rằng có nhiều vùng hạn hán đến nỗi người dân phải bỏ làng đi nơi khác do vùng đất họ lập làng không có cả nước sinh hoạt.

Tiếp đến là việc khai thác mỏ. Người dân Australia nói rằng, họ có rất nhiều mỏ khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là có những mỏ vàng lộ thiên. Họ giải thích về việc không khai thác này là do ý thức trách nhiệm với thế hệ mai sau. Việc khai thác hạn chế các mỏ hiện nay để đáp ứng nhu cầu người dân hiện tại. Tuy nhiên một thực tế là đất nước phồn vinh nhờ nhiều yếu tố, Chính phủ Australia không cần khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, cụ thể là các mỏ mà vẫn đảm bảo phát triển đất nước. Hơn nữa, ý thức để dành nguồn khoáng sản cho các thế hệ mai sau là việc làm nhân văn của lãnh đạo quốc gia này.

Nhà hát vỏ sò Sydney Opera House.
Nhà hát vỏ sò Sydney Opera House.

Một kỷ niệm đẹp trong thời gian học tập ở Australia là đi bắt ghẹ vào mùa hè. Chúng tôi là những sinh viên Việt Nam đến từ nhiều vùng khác nhau, người thì vùng núi, người thì vùng biển. Cứ vào mùa hè hằng năm chúng tôi lái xe ra biển bắt ghẹ. Một số anh em vùng biển có thể xem được lịch thủy triều lên xuống và tính khoảng cách để chạy xe đến bãi biển có ghẹ để bắt. Ghẹ ở vùng đó nhiều đến nỗi chúng tôi gồm bốn người bắt trong vòng hơn một giờ mà được hai xô đầy.

Sau khi lên bờ, chúng tôi gặp những cảnh sát, họ đưa cho chúng tôi những cái thước để đo độ lớn của ghẹ. Đối với ghẹ nâu thì độ lớn là hơn 10 cm và ghẹ xanh là hơn 11cm mới được bắt (độ lớn là tính theo chiều dài của mai ghẹ). Nếu nhỏ hơn quy định này thì phải thả về biển, nếu cố tình bắt về sẽ bị phạt. Nhiều người đã bị phạt do bắt ghẹ nhỏ hơn quy định.

Sau khi đo ghẹ xong, mấy cảnh sát còn hỏi “có ghẹ cái không?” – ý của họ là hạn chế bắt ghẹ cái hoặc thả bớt. Tất nhiên, khi bắt thì có cả ghẹ cái và ghẹ đực nhưng họ khuyến khích không bắt ghẹ cái và đặc biệt không được bắt ghẹ có trứng. Ngoài việc bắt ghẹ khi thủy triều rút xuống thì bẫy ghẹ cũng là một việc mà các du học sinh hay làm. Nhiều khi chỉ thả bẫy xuống biển vài chục phút là đã bắt được hàng chục con ghẹ có kích cỡ lớn. Cũng giống như bắt ghẹ, việc bắt sò cũng bị hạn chế về số lượng và kích cỡ.

Ghẹ bị bẫy tại biển ở Australia.
Ghẹ bị bẫy tại biển ở Australia.

Australia là một đất nước rộng lớn nhưng thảm thực vật và hệ sinh thái rừng rất đơn giản, tuy vậy nơi đâu cũng thấy rừng xanh bạt ngàn. Có được điều này là do họ có sự cân bằng trong khai thác và trồng mới. Từ việc hạn chế bắt ghẹ cho đến khai thác hạn chế các mỏ khoáng sản đã nói lên việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Australia, đồng thời đã tạo cho Australia một sự khác biệt mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần học hỏi.

Lê Văn Vượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.