Multimedia Đọc Báo in

Nông dân chung tay bảo vệ môi trường

09:12, 10/10/2019

Những năm qua, Hội Nông dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia giữ gìn môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Xã Quảng Điền có 1.033 ha đất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước, cà phê, tiêu, điều… nên nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất là rất lớn. Chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng thường bị người dân tiện đâu vứt đấy khiến môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm. Để thay đổi thói quen của người dân và góp phần bảo vệ môi trường, năm 2017, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana xây dựng mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”.

Cụ thể là xây dựng 15 bể chứa rác thải trên bờ ruộng, dọc đường đi ra cánh đồng lúa của Hợp tác xã Thăng Bình 1 và Hợp tác xã Điện Bàn; vận động người dân thu gom rác, túi ni lông, chai lọ thuốc BVTV đúng nơi quy định cũng như có ý thức bảo vệ, sử dụng đúng mục đích và tránh làm hư hỏng bể chứa. Mô hình này đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất nên dần dần đã chấm dứt tình trạng vứt rác bừa bãi trên cánh đồng, bờ mương.

Ông Nguyễn Trà (thôn 2) cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào đất trồng lúa, mỗi năm làm hai vụ nên sử dụng một lượng thuốc BVTV khá lớn. Trước đây, bao bì thuốc sử dụng xong tôi thường bỏ lại luôn tại ruộng nhưng từ khi có bể chứa này tôi và mọi người ở đây đều đã tự giác thu gom rác bỏ vào bể chứ không vứt tùy tiện nữa”.

Mô hình bể chứa rác thải, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Quảng Điền.
Mô hình bể chứa rác thải, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Quảng Điền.
 

"Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Quảng Điền tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình như: “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Chi hội điểm về công tác Hội và phong trào nông dân”... nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại địa phương".

 

 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền Huỳnh Đức Quốc

Cùng với việc xây dựng bể chứa rác thải, Hội Nông dân xã còn thành lập Tổ hội bảo vệ môi trường với 5 thành viên là hội viên, nông dân. Các thành viên trong Tổ đảm nhận việc thu gom rác thải sinh hoạt tại các điểm dân cư vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần mang ra bãi rác tập trung để xử lý; vận động, đôn đốc người dân dọn dẹp vệ sinh tại các trục đường ngõ, xóm, phát quang bụi rậm tại khu vực sinh sống... góp phần xóa bỏ những điểm đen về rác thải, tạo môi trường nông thôn thoáng đãng, sạch sẽ.

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững, gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường”, Hội cũng đã vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường. Điển hình như mô hình trồng nấm đã tận dụng có hiệu quả nguồn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.

Gia đình chị Huỳnh Nữ (thôn 1) là một trong những hộ đã dùng nguồn rơm rạ có sẵn tại địa phương để phát triển nghề nấm. Theo chị Nữ, trước đây sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhà chị thường bỏ rơm lại ruộng rồi đốt bỏ nhưng từ năm 2018 chị đã dùng rơm để trồng nấm. Với quy mô 5 trại nấm như hiện nay (tổng diện tích là 180 m2) thì mỗi năm gia đình chị cần khoảng 50 tấn rơm rạ để làm nấm. Do đó, ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ 3 sào lúa của gia đình thì chị Nữ còn phải mua thêm rơm của các hộ trồng lúa khác. Chị Nữ cho biết: “Sau khi trồng nấm xong, bã rơm tiếp tục được ủ để dùng làm phân bón cho cà phê hoặc dùng để trồng hoa nên không gây ô nhiễm môi trường”. Được biết, ngoài gia đình chị Nữ, trên địa bàn xã hiện có khoảng 45 hộ dân sử dụng nguồn rơm rạ để trồng nấm, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Người dân thôn 1 (xã Quảng Điền) tận dụng nguồn rơm rạ để làm nấm.
Người dân thôn 1 (xã Quảng Điền) tận dụng nguồn rơm rạ để làm nấm.

Ngoài việc triển khai các mô hình bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả tích cực, hằng năm Hội Nông dân xã còn phát động các chi hội trồng cây xanh tại khu vực công cộng, xây dựng tuyến đường không có rác thải để tạo cảnh quan; kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chuyên đề truyền thông kiến thức nước sạch, vệ sinh môi trường, tìm hiểu tác hại của rác thải nhằm nâng cao nhận thức của người dân; vận động các hộ gia đình chăn nuôi xây dựng hầm ủ khí sinh học biôgas chuyển hóa phân thành khí đốt hạn chế gây ô nhiễm... đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Mai Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.