Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Kỳ cuối)

06:31, 08/03/2020

(Tiếp theo và hết)*

Hỏi: Hôm trước, tôi đến một cơ sở y tế thăm bạn, có mang theo một thùng bia, dự định gặp mặt sẽ làm vài ly. Tuy nhiên, bà chủ căng tin của cơ sở y tế đó không cho chúng tôi uống và giải thích đây là cơ sở y tế nên không được uống rượu, bia. Vậy xin hỏi, bà chủ căng tin nói như vậy có đúng hay không và quy định này ở đâu?

(Nguyễn Văn N, TP. Buôn Ma Thuột)

Trả lời: Tại Điều 10 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định địa điểm không được uống rượu bia gồm:

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

Không chỉ thế, Chính phủ còn ban hành Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực ngày 24-2-2020); trong đó, Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 7 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

 Địa điểm công cộng không được uống rượu, bia gồm:

1. Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Nhà chờ xe buýt.

3. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

Hỏi: Tôi là đại lý bia cho công ty X (có nồng độ cồn dưới 5,5 độ) và thường xuyên phải đi giao bia cho các cửa hàng nên tôi có một chiếc xe tải lớn, tôi dự định sẽ dán quảng cáo về bia lên chiếc xe tải ấy, nhưng bạn hàng của tôi đã khuyên không nên vì pháp luật không cho phép. Vậy xin hỏi, bạn hàng tôi nói như vậy có đúng không và tôi rất muốn tìm hiểu về quy định này?

(Phạm Văn Y, huyện Buôn Đôn)

Trả lời: Tại khoản 3 Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định không thực hiện quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo trong trường hợp sau đây:

a) Sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

b) Phương tiện giao thông;

c) Báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

d) Phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

Nguyễn Thị Diễm Hằng (Sở Tư pháp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.