Multimedia Đọc Báo in

Di tích Lịch sử Quốc gia số 5 đường Lê Duẩn - đôi điều trăn trở

06:52, 16/11/2019

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến ngày 27-10 Âm lịch, ngày Giỗ của các chiến sĩ Nam tiến hy sinh tại Đồn Bảo An (số 5 – đường Lê Duẩn hiện nay). Tôi xin giãi bày đôi điều trăn trở về di tích lịch sử này.

Thời thuộc Pháp, địa chỉ số 5 – đường Lê Duẩn là nơi đóng quân của Đồn lính Khố xanh, tiếp đó là Đồn Bảo An, sau Cách mạng Tháng Tám (24-8-1945), Chính quyền Cách mạng Lâm thời của tỉnh trưng dụng. Hiện tại bây giờ là Hoa viên Buôn Ma Thuột, có tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.

Ngày 27 tháng 10 năm Ất Dậu (1-12-1945) nơi đây đã diễn ra một sự kiện bi hùng.

“… Buổi trưa hôm ấy, khi mới hành quân đến, bộ đội ta còn đang tắm rửa, nghỉ ngơi thì chiếc ô tô mui trần, trên xe cắm cờ đỏ sao vàng từ hướng cầu 14 chạy lên, tưởng là quân mình, mọi người chạy ra đón thì bị chúng xả súng liên thanh, bắn liên hồi, quân ta chết hàng loạt… Thì ra, giặc pháp đã tập kích, đánh úp một đơn vị của ta ở phía Nam, chúng cắm cờ đỏ sao vàng lên xe, nghi binh để tiến về Buôn Ma Thuột mà ta không biết…”. Đó là lời Bác Y Ngông Niê Kdăm, Bí thư Tỉnh ủy kể cho tôi và chú Hòa lái xe nghe, khi chúng tôi ngồi trên chiếc xe Volga đi từ Buôn Ma Thuột qua Khánh Hòa, Thuận Hải về thành phố Hồ Chí Minh cách đây hơn ba mươi năm (bác Y Ngông Niê Kdăm cùng với bác Y Blốk, bác Y Blốk Êban là ba người trong ban Chỉ huy giành Chính quyền Cách mạng tháng 8-1945 tại Đắk Lắk).

         Địa điểm để tưởng niệm  các chiến sĩ  Nam tiến tại  TP. Buôn  Ma Thuột được xếp hạng Di tích Quốc gia  năm 2015.  Ảnh: T.Hải
Địa điểm để tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến tại TP. Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2015. Ảnh: T.Hải

Những chiến sĩ hy sinh được người dân làng Lạc Giao đưa về chôn cất tại nghĩa trang nhưng nhiều người được chôn tại chỗ, một trong số đó là Liệt sỹ Trần Văn Tý quê Vĩnh Phú (bố vợ của đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú).

Đầu những năm 2000 được sự hỗ trợ của nhà ngoại cảm, các chị Trần Thị Phương, Trần Thị Liên (con Liệt sỹ Trần Văn Tý). Cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh ta (trực tiếp là đồng chí Nguyễn Quang Trường Phó Giám đốc Sở), đồng chí Dương Thanh Tương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Đại tá Lê Mạnh Hùng, Lữ Đoàn trưởng và 15 cán bộ chiến sĩ Đoàn Đặc công 198 đã cất bốc được hài cốt Liệt sỹ Trần Văn Tý dưới nền bê tông gần bể nước công cộng khu tập thể Nhà Thông tin – Triển lãm (cách gốc cây đa hơn 50 mét về hướng Đông Bắc). Buổi Lễ bàn giao hài cốt Liệt sỹ được tổ chức trang nghiêm trọng thể.

Như vậy, khu vực số 5 - Lê Duẩn hiện nay, có thể vẫn còn các hài cốt Liệt sỹ. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã làm “Bia tưởng niệm” tại đây là cần thiết và hết sức đúng đắn. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã lập Hồ sơ trình và được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận là “Di tích Lịch sử Quốc gia” theo Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 24-4-2015. Theo tôi nơi đây là địa điểm để tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến đã hy sinh, chứ không phải là “Lưu niệm” như một tờ báo nào đó đã viết.

Một vấn đề nữa cần xác định những chiến sĩ hy sinh là của Chi đội Vi Dân hay Chi đội Lê Trung Đình?

Trong một bài báo đưa tin về Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến hy sinh và đồng bào làng Lạc Giao tử nạn ngày 27-10 năm Ất Dậu (1-12-1945) đã viết: “Chi đội Vi Dân là đơn vị Giải phóng quân được thành lập tại Thủ đô Hà Nội, với lực lượng chủ yếu là công nhân, thanh niên xung phong của các nhà máy, công trường do đồng chí Vi Dân làm Chi đội trưởng. Chi đội có nhiệm vụ tham gia bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam sau ngày Quốc khánh 2-9-1945 và huấn luyện cấp tốc để bổ sung lực lượng cán bộ cho Miền Nam. Khoảng trưa ngày 1-12-1945 (nhằm ngày 27-10 năm Ất Dậu) khi Chi đội vừa đặt chân đến thị xã Buôn Ma Thuột thì bị đội quân thực dân Pháp bất giờ tập kích. Bằng mọi phương tiện vũ khí trong tay, quân và dân ta đã ngoan cường chặn địch. Trong trận chiến không cân sức, hơn 100 chiến sĩ Nam tiến của Chi đội Vi Dân đã anh dũng hy sinh tại Đồn Bảo An binh (nay là số 5 đường Lê Duẩn)”.

Các em thiếu nhi dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến.   Ảnh: H. Gia
Các em thiếu nhi dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến. Ảnh: H. Gia

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 – 1954)” do BCH Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk biên soạn, xuất bản năm 2002, trang 164, 165 đã ghi: “Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 1-12-1945 thì đoàn xe chúng đột nhập vào địa đầu thị xã Buôn Ma Thuột chia làm hai cánh. Một cánh chạy vào đồn Khố Đỏ (nay là Tỉnh đội), một cánh tiến vào bao vây đồn Bảo An (nay là khu Đài Truyền hình cũ và Triển lãm cũ). Lúc này, trong doanh trại, ngoài một số chiến sĩ quân giải phóng, hay gọi là Chi đội quân Nam tiến Lê Trung Đình (giải thích theo tài liệu Đắk Lắk 30 năm chiến tranh giải phóng 1945 – 1954, trang 125), còn có một phân đội học sinh lớp quân chính khóa 5 của Trung ương tăng cường cho Mặt trận Nam bộ nhưng vì Nha Trang đã bị địch chiếm đóng nên phải vòng lên Buôn Ma Thuột để theo đường 14 vào Nam đang nghỉ trưa tại đó. Nghe súng nổ, các đồng chí đã vùng dậy cùng các chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu chống địch, song vì bất ngờ và bị động nên nhiều đồng chí đã hy sinh”.

Cách mạng Tháng Tám mới thành công, các anh đã từ biệt gia đình hành quân thần tốc vào Nam với tấm lòng nhiệt huyết cách mạng, vượt qua bao núi cao, vực sâu, thiên tai, địch họa để có mặt tại Buôn Ma Thuột và anh dũng hy sinh, như thế đã xứng đáng là những Anh hùng rồi.

Trong cuốn sách “Trung đoàn 84 những chặng đường lịch sử (1947 - 1954) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh biên soạn, in, phát hành năm 2000, trang 25 viết: “Khi quân Pháp đổ bộ Nha Trang và địch có thể gây ra chiến tranh trên toàn quốc, một số Chi đội chuyển lên Đắk Lắk giữ Mặt trận Tây Nguyên, một số chuyển đi chiến trường khác. Lên giữ Mặt trận Đắk Lắk có Chi đội Nam Long, Chi đội Hữu Thanh, Chi đội Hùng Việt… Các Chi đội Vi Dân, Thu Sơn chịu trách nhiệm khu vực Phú Yên, Khánh Hòa”.

Từ những luận cứ trên chúng ta khẳng định hơn một trăm chiến sĩ hy sinh tại đồn Bảo An năm 1945 là Chi đội Lê Trung Đình. Chi đội Vi Dân sau tháng 12-1945 mới vào và hoạt động ở Phú Yên, Khánh Hòa; chúng ta cần tuân theo chính sử, đã được Hội đồng thẩm định và xuất bản. Điều này liên quan đến độ chính xác cho công tác giáo dục truyền thống.

Hiện nay nhiều Cựu Chiến binh (CCB) trong tỉnh trăn trở, mong mỏi các đơn vị hữu quan của tỉnh Đắk Lắk có văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền xác minh, căn cứ vào tình hình thực tế lúc bấy giờ đề nghị Chủ tịch nước Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Chi đội quân Nam tiến Lê Trung Đình.

Điều mong muốn nữa nên chăng tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng Đền thờ ghi công các chiến sĩ Nam tiến đã hy sinh. Thiết nghĩ cả trăm người hy sinh tại địa điểm này, lại là những cán bộ nòng cốt thời kỳ đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa điểm lịch sử hiện chỉ có tấm “Bia tưởng niệm” là chưa tương xứng. Chúng ta đều biết Tám thanh niên xung phong hy sinh ở “Hang tám cô” đường 20 Quyết thắng cũng đã được tỉnh Quảng Bình xây Đền thờ Liệt sỹ và hiện nay là một trong những điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

Hy vọng những nỗi niềm trăn trở này nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh nhà.

Hoàng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.