Multimedia Đọc Báo in

Tình yêu nước Nga qua từng bức ảnh

09:57, 27/11/2017

Dù chưa một lần đặt chân đến đất nước Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay) nhưng trong sâu thẳm trái tim của nhà văn Trúc Hoài (tên thật là Nguyễn Trúc) thì niềm đam mê, tình yêu và sự hiểu biết về văn hóa, con người và các biến cố lịch sử của đất nước này như chính mình đã từng trải nghiệm.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2017), Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã tổ chức triển lãm ảnh về đất nước Nga. Triển lãm gồm 100 bức ảnh tương ứng với 100 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Điều đáng nói là chủ nhân của những bức ảnh này là nhà văn Trúc Hoài, người đã dày công sưu tầm trên các sách, báo từ nhiều năm qua. Mỗi bức ảnh là một sự kiện sinh động giới thiệu về diễn biến cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, về đất nước, con người, nền văn hóa Nga; về thành quả to lớn qua hơn 7 thập kỷ xây dựng XHCN; về quan hệ hữu nghị, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Nga ngày nay…

Qua những bức ảnh này, nhiều người đã từng học tập, lao động tại Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay) như được sống lại những ký ức một thời ở xứ sở Bạch Dương. Ông Nguyễn Đình Hãn, người từng đi lao động tại Nga tâm sự: “Khi ngắm những bức ảnh về đất nước, con người Nga, những ký ức về năm tháng lao động ở xứ sở này lại ùa về. Đó không chỉ là ký ức, là nỗi nhớ da diết mà còn là ước muốn thêm một lần được quay trở lại đất nước vĩ đại này”.

Nhà văn Trúc Hoài giới thiệu về bức ảnh “Tổ quốc – Mẹ hiền vẫy gọi”.
Nhà văn Trúc Hoài giới thiệu về bức ảnh “Tổ quốc – Mẹ hiền vẫy gọi”.

Với nhà văn Trúc Hoài, từ lúc còn bé, ông đã biết đến đất nước, con người và đặc biệt là lý tưởng Cách mạng Tháng Mười qua sách báo và phim ảnh. Càng lớn, ông càng yêu mến và tìm hiểu về đất nước này nhiều hơn. Để có những bức ảnh in dấu lịch sử quý giá này, tác giả đã sưu tập từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó, có cuốn được ông mua từ phiên bản tiếng Nga, có cuốn mua từ những năm sau giải phóng, một số thì được mượn từ thư viện… tất cả vẫn được nhà văn lưu giữ đến tận bây giờ.

Nói về bộ ảnh về đất nước, con người Nga, nhà văn Trúc Hoài chia sẻ: “Không phải là một tháng, một năm để có được những tấm ảnh này mà đó là cả một quá trình dài. Ngoài lòng nhiệt huyết và niềm say mê, còn phải có hiểu biết về đất nước Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay), nhất là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, từ đó mới có thế sắp xếp hình ảnh theo thứ tự từ 1 đến 100 và theo 3 nội dung của triển lãm: Cách mạng Tháng Mười Nga – Biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại (ảnh 1 đến 60); Thành tựu xây dựng CNXH và bảo vệ thành quả cách mạng Tháng Mười của nhân dân Liên Xô (ảnh 61 đến 80); Tình hữu nghị Việt – Nga thắm thiết, thủy chung (ảnh 81 đến 100)”.

Những bức ảnh về đất nước, con người Nga thu hút người xem.
Những bức ảnh về đất nước, con người Nga thu hút người xem.

Những bức ảnh được ông lựa chọn đã cho người xem một cái nhìn toàn cảnh về sự chuẩn bị và thành quả của cách mạng Tháng Mười, cũng như tình cảm gắn kết của hai đất nước, hai dân tộc. Có thể thấy điều này thông qua các bức ảnh như: Chiến hạm Rạng Đông được giao nhiệm vụ nổ phát súng đầu tiên vào tháng 10-1917, phát tín hiệu bắt đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng 10 và tấn công Cung điện Mùa Đông; Tượng đài Lênin tại Hà Nội; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và thực hiện quá trình gìn giữ thi hài của Người, hay Điện mừng của Tổng thống Nga Putin gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015)…

Được biết, đam mê, yêu mến đất nước, văn hóa, con người Nga không chỉ qua việc sưu tầm sách báo, hình ảnh mà còn ảnh hưởng ngay cả trong nhiều tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết của ông. Và hơn thế nữa, tình yêu đất nước Nga của nhà văn Trúc Hoài không chỉ là kho tư liệu quý mà còn là minh chứng sống động góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình hữu nghị, gắn bó của hai nước Việt - Nga.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.