Multimedia Đọc Báo in

Người Mỹ nói về Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"

16:00, 29/12/2017
Cuối năm 1972, khi Hội nghị Paris bế tắc, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh thực hiện Chiến dịch Linebacker II nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá", nhưng chính hành động này đã khiến Mỹ bị dư luận thế giới lên án.
 
Báo chí Mỹ vừa điểm lại những hành động phi lý, vô nghĩa mà chính quyền Nixon đã liều lĩnh thực hiện cách đây 45 năm.

Trang tin History.com (HC) của Mỹ số ra tháng 12-2017 đã điểm lại sự kiện trên. Theo đó, vào ngày 18-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon thông báo bắt đầu Chiến dịch Linebacker II (Operation Linebacker II) hay còn gọi là “Chiến dịch ném bom tháng 12” (The December Raids) nhắm vào miền Bắc Việt Nam trong thời gian dài gần hai tuần liên tục.

Theo Wikipedia, Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam sau khi Hội nghị Paris bế tắc. Quân đội của chế độ Sài Gòn bị thất bại nặng nề trong Chiến dịch Lam Sơn 719; sự lớn mạnh không ngừng của các lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như các cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội chính quy miền Bắc khiến kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị thất bại. Nhằm giữ thể diện siêu cường và để rút quân trong danh dự, Mỹ đã quyết định tiến hành chiến dịch ném bom lần cuối với ý định "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá", giảm bớt sự hỗ trợ quân sự cho chiến trường miền Nam.

Tên lửa SAM-2 của Việt Nam đã hạ gục nhiều
Tên lửa SAM-2 của Việt Nam đã hạ gục nhiều "pháo đài bay" B52 của Mỹ.

Chiến dịch Linebacker II thực chất là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker I diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10-1972. Mỹ đã huy động tối đa các loại máy bay ném bom chiến lược B-52 hay còn gọi là “pháo đài bay” B-52 hiện đại nhất thay cho máy bay ném bom chiến thuật thông thường với mục đích dùng sức mạnh không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của miền Bắc Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Chiến dịch Linebacker II được xem là một trong những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của nhân loại. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến năm 1971.

Tuy là người phát động song Chiến dịch Linebacker II cũng là một đòn cân não nặng nề cho giới quân sự Mỹ, bởi đây thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược, Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức, sở trường cho đến sức mạnh để “răn đe” đối phương. Cụ thể hơn, phía Mỹ “thách đấu” và được quyền lựa chọn vũ khí nhưng cuối cùng lại thất bại trước một dân tộc “thuần nông” nhỏ bé, nền kinh tế còn khó khăn, có lòng yêu nước nồng nàn và thấm nhuần tư tưởng nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Theo giới phân tích quân sự, trong cuộc chiến này, loại vũ khí mà lâu nay Mỹ vẫn cho là “vô đối” là “pháo đài bay” B-52 đã thất bại trước vũ khí chống trả không phải là cao siêu (tên lửa SAM-2, SAM-4 và SAM-5).

Trên tạp chí “Air & Space” của Bảo tàng Smithsonian (Mỹ) có bài viết tựa đề “The Christmas Bombing” (Trận mưa bom Giáng sinh) được trích từ cuốn sách “The Eleven Days of Christmas: America’s Last Vietnam Battle” (11 ngày Giáng sinh: Trận chiến Việt Nam cuối cùng của Mỹ) của tác giả Marshall Michel, người đã trực tiếp đến Hà Nội, mô tả khá chi tiết về Chiến dịch Linebacker II do Mỹ chủ mưu. Theo tác giả Marshall Michel, đầu tháng 12-1972, Nixon điện cho Kissinger thông báo kế hoạch ném bom trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Ngày 14-12, Nixon họp với cố vấn an ninh Kissinger, tướng Alexander Haig và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đô đốc Thomas Moorer thông qua lần cuối Chiến dịch Linerbacker II. Mục tiêu mà Mỹ đặt ra là duy trì nỗ lực tối đa để phá hủy tất cả các tổ hợp mục tiêu chính ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng và các vùng lân cận, tạo ra “cường độ khủng khiếp để buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải chấp nhận điều khoản của Mỹ, và cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Mỹ không bỏ rơi họ”. Cũng qua chiến dịch này, Nixon muốn răn đe Sài Gòn nếu giúp Nixon kéo dài dài đàm phán, xa hơn là giúp Nixon chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo thì Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ. Mỹ đã huy động gần 50% số lượng B-52 (197/400 chiếc), xuất kích 741 lần và gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077/3.041 chiếc), tiến hành 3.920 lần xuất kích. 1/4 số tàu sân bay (6/24 chiếc) cùng nhiều tàu chỉ huy, dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu... tham gia chiến dịch.

Pháo đài bay B52 trút “mưa bom” xuống miền Bắc Việt Nam trong Chiến dịch Linebacker II.
Pháo đài bay B52 trút “mưa bom” xuống miền Bắc Việt Nam trong Chiến dịch Linebacker II.

Do thiệt hại ngoài sức tưởng tượng nên ngày 30-12-1972, Tổng thống Nixon đã ra lệnh chấm dứt ném bom với lý do duy nhất được phát ngôn viên Tổng thống phát ra là "có dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán nghiêm túc có thể được nối lại" và quyết định đàm phán lại để ký kết Hiệp định Paris. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc Mỹ chấm dứt ném bom là do áp lực của dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, cũng như thất bại của Mỹ trong việc buộc Hà Nội nhượng bộ. Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị kéo dài do Mỹ từ chối ký kết trước đây. Dư luận cho rằng, Mỹ đã mất hàng chục máy bay để rồi vẫn phải ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này đồng nghĩa là mục tiêu của Mỹ khi phát động Chiến dịch Linebacker II thực sự thất bại. Chiến dịch Linebacker II bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới, cả ở các nước xã hội chủ nghĩa lẫn các nước phương Tây; thậm chí tại Mỹ, Nixon còn bị chỉ trích là kẻ điên rồ.

   Nguyễn Duy Hùng

(Dịch từ Net/HC/ASC/BBC/EWO/QC- 11/2017)


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.