Multimedia Đọc Báo in

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Trí tuệ và tâm đức của một người cộng sản kiên trung

11:53, 06/10/2018

Trong tâm trí của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người cộng sản mẫu mực, kiên trung; người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng suốt, có nhiều quyết sách đúng đắn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ…

Người lãnh đạo có tư duy nhạy bén, sắc sảo, hành động quyết liệt

Theo lời kể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, yêu mến và quý trọng đồng chí Đỗ Mười từ rất lâu nhưng mãi đến năm 1991, khi rời chiến trường Campuchia về công tác ở Bộ Quốc phòng, được tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng rồi tham gia Ban Bí thư, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thì đồng chí Lê Khả Phiêu mới được gặp, làm việc và hiểu đồng chí Đỗ Mười nhiều hơn. Khi đó, đồng chí Đỗ Mười giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến nửa khóa VIII; là Tổng Bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương. Trong trí nhớ của đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Đỗ Mười là một người sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm, có tư duy nhạy bén, sắc sảo, là con người hành động và hành động quyết liệt. Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, chịu lắng nghe, chăm lo phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ),  ngày 1-11-1992.  Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1-11-1992. Ảnh: TTXVN

Không chỉ trong xây dựng Đảng mà trong xây dựng và phát triển kinh tế, đồng chí Đỗ Mười từng được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng. Đồng chí rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, tài chính, ngân hàng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Lê Khả Phiêu kể: “Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận trong các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở. Anh say sưa tranh luận đến cùng từng sự việc nên không phải không có lúc người ta tưởng anh có tư tưởng áp đặt mất dân chủ. Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh, tôi càng thấy anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị; có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ, hiểu rõ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả về những con người cụ thể. Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ ở cơ sở, ở cương vị cao nhưng anh Đỗ Mười luôn chịu khó đọc sách, tích lũy kiến thức từ những chuyến đi cơ sở. Là Tổng Bí thư nối tiếp anh, khi cả hai người đều đã nghỉ, tôi càng nhớ lại khi anh còn làm Tổng Bí thư, trong họp bàn về chủ trương cũng như nhân sự, cụ thể khi còn có ý kiến khác nhau thì anh là người đấu tranh mạnh mẽ, nói rõ quan điểm của mình. Tinh thần đó đã làm cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả Trung ương đều tranh luận sôi nổi, tranh luận để đi đến thống nhất chứ không một chiều, "độc diễn”, độc đoán”.

Nhà lãnh đạo ghi dấu ấn với chính sách đối ngoại rộng mở

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một trong những công lao của đồng chí Đỗ Mười là đã đóng góp trực tiếp mang tính quyết định vào việc hình thành và triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chính sách ngoại giao rộng mở cả về chính trị lẫn kinh tế.

Những năm tháng đồng chí Đỗ Mười giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã diễn ra những sự kiện chính trị đối ngoại mang tính đột phá, như: Đẩy lùi chính sách bao vây, cô lập Việt Nam, bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng và các nước vốn có quan hệ ngoại giao với nước ta, thiết lập quan hệ với nhiều nước khác, trong đó nổi lên là việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế như gia nhập ASEAN, Diễn đàn Á - Âu… Về an ninh là việc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, thỏa thuận về biên giới trên biển với Malaysia, Thái Lan, triển khai các biện pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông… Về kinh tế là thông qua và đưa vào cuộc sống Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên năm 1987, nối lại quan hệ với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, tranh thủ viện trợ phát triển chính thức (ODA)… Đường lối, chính sách và những bước đi ấy đã góp phần vào việc lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn trên thế giới và các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan xúc động nhớ lại: "... Khi Liên Xô sụp đổ, nước ta rơi vào tình trạng khó khăn trăm bề. Đồng chí đã triệu đại diện các bộ, ngành lên, trong đó tôi được phân công tham dự với tư cách đại diện Bộ Ngoại giao, yêu cầu tìm mọi cách tìm kiếm nguồn tiền và nguồn hàng vốn hầu như đang cạn kiệt. Trong những ngày ấy, đồng chí Đỗ Mười thường xuyên gọi điện đôn đốc, chỉ đạo rất rốt ráo. Hay như trong việc triển khai một số biện pháp xử lý các vụ việc trên biên giới, bảo vệ chủ quyền trên biển, đồng chí lúc nào cũng dốc hết tâm sức chỉ đạo rất cụ thể, đôn đốc cực kỳ ráo riết. Bận trăm công nghìn việc, song không biết bằng cách nào, đồng chí Đỗ Mười vẫn nắm được những sự kiện tưởng như rất nhỏ liên quan tới quan hệ đối ngoại. Không ít lần nhận được điện thoại của đồng chí khiển trách sao không nắm được và không quản lý, thực sự chúng tôi rất lúng túng. Một nét đặc biệt của đồng chí là luôn luôn kiên trì tư tưởng tự lực, tự cường. Tôi nhớ, khi đất nước mới mở cửa, một số doanh nghiệp nước ngoài vào xây khách sạn, đồng chí đã nói với anh em chúng tôi: Cái gì ta làm được thì cố làm, không nên cái gì cũng dựa vào bạn. Tương tự như vậy, sau khi cùng đồng chí Đỗ Quốc Sam, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sang Nhật Bản tranh thủ bạn giúp cải tạo sân bay Nội Bài về, chúng tôi lên báo cáo đồng chí lúc đó còn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí cũng nhắc lại ý đó. Tư tưởng này của đồng chí đã được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội VIII (1996) - đây là đại hội mà lần đầu tiên cụm từ “hội nhập kinh tế quốc tế” được nêu ra”.

Một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính

Ông Phan Trọng Kính, Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho biết gần 40 năm cùng làm việc đã học tập rất nhiều ở đồng chí Đỗ Mười, nhất là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tấm lòng trong sáng.

Năm 1972, khi đang công tác tại Cục Quản lý thi công chuyên theo dõi và kiểm tra thi công các công trình đang xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, ông Kính được điều động giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười - khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng, với danh nghĩa là thư ký riêng. Trải qua gần 40 năm làm việc với đồng chí Đỗ Mười, ông Kính nhận thấy một điều là đồng chí luôn làm việc hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất là đồng chí đều có mặt. Những đề xuất như xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...; những câu nói nổi tiếng như: "Đổi mới không đổi màu", "Hội nhập không hòa tan" hoặc "xoá bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai", hoặc "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới"... đều xuất phát từ thực tế khi đồng chí Đỗ Mười tiếp xúc với đồng bào, đồng chí hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm xã Đông Mỹ nhân dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ chống Pháp (năm 2000). (Ảnh: TTXVN)
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm xã Đông Mỹ nhân dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ chống Pháp (năm 2000). Ảnh: TTXVN

Ông Kính kể lại: “Năm 1991, khi đồng chí Đỗ Mười về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu đồng chí cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước, thăm hỏi các bà mẹ có con hy sinh ở Tây Ninh, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế. Cảm động nhất là có một bà mẹ ở Thừa Thiên - Huế có 5 con hy sinh. Khi đồng chí đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói với Tổng Bí thư: "Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi...". Trước lời nói đầy khí phách anh hùng đó, đồng chí về trao đổi với đồng chí Lê Đức Anh là Chủ tịch nước và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng thời gian đó, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đã nổi lên chống lại một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền. Trước sự việc đó, đồng chí đã về thăm Thái Bình, gặp gỡ các bí thư xã và các cụ lão thành trong tỉnh để nắm tình hình thì thấy rằng sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, ở đây đã có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; chính quyền làm việc gì, dân hầu như không được biết, được bàn, nếu dân có ý kiến thì bị chính quyền ngăn chặn ngay tức khắc. Thấu hiểu tình hình đó, đồng chí nghĩ rằng không những ở Thái Bình mà chắc các địa phương khác ít nhiều cũng có tình trạng như vậy. Khi trở về, đồng chí họp với các ngành có liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất và sau đó ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về Quy chủ dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân”.

Cũng theo lời kể của ông Kính, trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, đồng chí Đỗ Mười luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là đồng chí góp ý phải hết sức tiết kiệm. Trong sinh hoạt gia đình hằng ngày của đồng chí cũng rất giản dị. Bữa sáng có khi ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối cùng ăn cơm với gia đình. Trên mâm thường là bát canh, đĩa cá, mấy bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn chủ yếu là rau luộc, muối vừng, đậu phụ. Đồ đạc trong nhà không có gì là sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.

                                                Hồng Hà (Tổng hợp theo báo chí trong nước)

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.