Multimedia Đọc Báo in

Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Địa chỉ về nguồn

09:10, 17/10/2019

Có dịp đặt chân lên mảnh đất Đồng Tháp và đến thăm khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi - lớp thế hệ trẻ hôm nay như được lắng lòng với khung cảnh rất đỗi gần gũi mà thiêng liêng cùng nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử.

Nằm cách trung tâm TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) khoảng 1 km, Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dù luôn tấp nập người tìm đến tham quan, vẫn giữ được sự tĩnh lặng, thanh bình của vườn cây xanh mát và những đóa sen tỏa hương thơm ngát. Với diện tích gần 10 ha, Khu di tích có các hạng mục chính: Mộ, đền thờ, tượng chân dung bằng đá trắng, nhà trưng bày giới thiệu về thân thế sự nghiệp, một góc làng Hòa An xưa (nay là TP. Cao Lãnh), nơi cụ sinh sống ở Đồng Tháp và nhà sàn Bác Hồ được phục dựng lại.

Toàn cảnh Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Toàn cảnh Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Theo chân người hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi đến Lăng mộ cụ Phó bảng để thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đến một nhân sĩ yêu nước, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Điểm nhấn của lăng mộ là mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống, trên mái đắp nổi tượng 9 con rồng, tượng trưng cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long ngày đêm chở che, ôm ấp để cụ yên nghỉ. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Xung quanh có nhiều loại hoa trái, cây cảnh quý được các vị lãnh đạo, người dân hiến tặng và mang đến trồng lưu niệm.

Du khách tưởng niệm và nghe thuyết minh về lăng mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Du khách tưởng niệm và nghe thuyết minh về lăng mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Tiếp đó, chúng tôi đến khu nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ, nhất là thời gian cụ ở Cao Lãnh. Nơi đây tái hiện chân thực từng giai đoạn gắn liền cuộc đời cụ Phó bảng từ quê hương và gia đình; những năm tháng khổ luyện thành tài; chốn quan trường - từ quan vào Nam hoạt động; tình cảm của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhân dân Hòa An và tình cảm của nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với cụ…

Nghe những câu chuyện kể, chúng tôi càng thêm hiểu tầm ảnh hưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc đến nhân cách và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một điểm nhấn trong Khu di tích nữa là ngôi nhà sàn Bác Hồ được phục chế nguyên mẫu ngôi nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội. Tại đây, những hiện vật được tái dựng, sắp xếp chân thực giúp mỗi du khách tìm đến có thể cảm nhận và hình dung được cuộc đời thanh đạm của Bác từ góc làm việc đến nơi nghỉ ngơi. Đây cũng là cách để những người dân miền Nam không có điều kiện ra thăm Thủ đô Hà Nội vẫn cảm thấy như được thăm ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch khi đến tham quan khu di tích.

Ngôi nhà sàn Bác Hồ được phục chế nguyên mẫu như nhà sàn của Bác ở Hà Nội.
Ngôi nhà sàn Bác Hồ được phục chế nguyên mẫu như nhà sàn của Bác ở Hà Nội.

Với kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, sau nhiều lần tôn tạo, Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ năm 1992 đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia - cũng là địa điểm du lịch về nguồn nổi tiếng của xứ sở sen hồng. Giờ đây, không chỉ với người dân địa phương mà cả những ai đã một lần đến mảnh đất này đều xem phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc chính là một biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng.

Ở đó, khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu “Đối với Bác Hồ kính yêu, ước mơ tha thiết của Bác là có thể về thăm miền Nam; đặc biệt là về thăm vùng đất Cao Lãnh - nơi có hương hồn và anh linh của người cha, nhưng ước mơ rất đỗi bình dị này chưa kịp thực hiện được thì Bác đã qua đời”… chúng tôi đã không kìm nén được cảm xúc. Để rồi tự hứa với lòng mình sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.