Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi thời hoa đỏ

09:18, 17/10/2019
Có những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn, ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ, đó là những sinh viên đã rời mái trường lên đường bảo vệ Tổ quốc và đã mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân nơi xa xanh. Giữa trập trùng bia mộ trắng xóa nơi nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, sắc hoa phượng vĩ như thêm rực lửa trong chói chang nắng hạ, rưng rưng nỗi nhớ về một thời hoa đỏ.

Đó là một thời đặc biệt, khi cuộc chiến tranh giữ nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Nhập ngũ đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế…

Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Bao ước vọng, hoài bão đang còn ở phía trước, nhưng khi Tổ quốc gọi, họ sẵn sàng gác lại tất cả. Tạm xa mái trường, những người lính sinh viên làm quen với súng ống, đạn dược, với những đêm hành quân, báo động. Sau đợt huấn luyện, sinh viên các được xếp vào binh chủng phù hợp: Đại học Bách khoa vào pháo binh, thông tin; Đại học Y vào quân y; Đại học Mỏ địa chất vào công binh; Đại học kinh tế, tổng hợp vào bộ binh…

Phượng vĩ thắp lửa ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.
Phượng vĩ thắp lửa ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.

Khi lửa chiến tranh lan rộng, khi mái trường thành công sự tiền tiêu thì cả một thế hệ mười tám đôi mươi đã rời giảng đường, đi thẳng vào chiến trường với tâm thế sẵn sàng như vậy. Như liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc từng ghi nhật ký về cảm xúc trong lễ xuất quân của hàng nghìn sinh viên trên sân trường Đại học Tổng hợp, bài Quốc ca anh đã nghe bao lần, lá cờ Tổ quốc quá đỗi thân thuộc, nhưng chỉ khi ấy anh mới cảm nhận rõ rệt và thấm thía đó là máu của chính mình. Nước mắt đã rơi trong ngày chia tay người thân, tạm biệt giảng đường, nhưng không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động, vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Như lời nhà thơ Thanh Thảo: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình - (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc) - Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”…

Tạm xếp bút nghiên khi Tổ quốc gọi, họ mang theo vào chiến trường vẹn nguyên chất sinh viên lạc quan, hồn nhiên, tinh nghịch, với tâm hồn trong veo và đặc biệt, với tài hoa lấp lánh; ba lô trĩu nặng mang theo cả sách vở chuyên ngành, sổ ghi bài hát, ghi nhật ký với niềm tin ngày trở về viết tiếp giấc mơ giảng đường, đó là dấu ấn đặc biệt của lớp sinh viên - chiến sĩ ngày ấy. Tuổi mười tám đôi mươi tràn đầy cảm xúc buồn vui và mãnh liệt tình yêu cuộc sống, giữa chiến trường khốc liệt đạn bom, họ không nguôi nỗi nhớ da diết về cha mẹ, người thân, nhớ mái trường đại học. Nỗi nhớ đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để họ tiếp tục chia lửa chiến trường với khát vọng độc lập tự do cho Tổ quốc, hòa bình hạnh phúc cho mỗi người.

 

Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Danh dự và trách nhiệm của thế hệ trẻ khi Tổ quốc lâm nguy đã vẽ nên nét son của một thời hoa lửa, góp nên trang sử bi hùng trong suốt dặm dài trường chinh giữ nước: “Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn, ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ” - Nước non ngàn dặm (Tố Hữu). Bao giấc mơ trở về đã mãi mãi dừng lại nơi chiến trường xa, tuổi mười tám đôi mươi neo lại trong ngàn vạn bia mộ nơi nghĩa trang liệt sỹ gắn với đường Trường Sơn huyền thoại.

Trong số hơn 10.000 sinh viên lên đường ngày ấy thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trên mặt trận Quảng Trị, trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Chỉ riêng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có 400 sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, nhưng con số trở về chỉ còn chưa đầy năm mươi. Những giấc mơ giảng đường đã khép lại trong mùa phượng vĩ cuối cùng nơi chiến trận, để mở ra ước vọng tươi xanh trong hòa bình của lớp sinh viên tiếp nối nơi giảng đường.

Đài chứng tích chiến sĩ- sinh viên Thành cổ Quảng Trị khắc ghi dấu ấn một thế hệ xếp bút nghiên  lên đường ra trận là địa chỉ đỏ cho lớp trẻ tìm về.
Đài chứng tích chiến sĩ- sinh viên Thành cổ Quảng Trị khắc ghi dấu ấn một thế hệ xếp bút nghiên lên đường ra trận là địa chỉ đỏ cho lớp trẻ tìm về.

Để hôm nay những Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ, những nơi ghi dấu ấn sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của bao chiến sĩ - sinh viên vẫn rực lửa phượng vĩ, thắp đuốc nỗi nhớ thương mỗi mùa tri ân. Màu phượng thắm như màu cờ Tổ quốc, như màu máu của các anh hùng đã đổ xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, như những tuổi đôi mươi vĩnh hằng của các anh đã hòa vào Đất Mẹ.

Phượng vĩ cũng thắp lửa nơi Đài tưởng niệm liệt sỹ sinh viên ở những Trường Đại học có đông sinh viên lên đường ra trận ngày ấy, rưng rưng hình ảnh chiếc mũ cối gắn quân hiệu sao vàng năm cánh bên trên cuốn giáo trình đọc dở. Chiến tranh đã xa rồi, nhưng vẫn sáng mãi một thời hoa đỏ, như dòng tưởng nhớ trong Lễ tưởng niệm và tri ân các Liệt sỹ là cán bộ, sinh viên khoa Ngữ văn đã hy sinh vì Tổ quốc của Trường ĐHSP Hà Nội: “Tuổi hai mươi vĩnh cửu giữa vô thường, ta vẫn đứng giữa lòng người thương nhớ, ta vẫn đứng dưới sao vàng cờ đỏ, với nụ cười tươi trẻ mãi muôn năm...”.

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.