Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn của âm nhạc Tây Nguyên trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam

06:00, 18/02/2018

Năm 1955, âm nhạc Tây Nguyên lần đầu tiên “ra mắt” công chúng miền Bắc. Những bài “Ơ Miết Man” (dân ca J’rai), “Chim Jil đi tắm” (dân ca Xê Đăng) mang nhịp điệu tung tăng như gió sớm, hay “Ơ chim Ktiă” (dân ca Êđê) mềm mại dàn trải rủ rỉ lời tự sự… hoặc những bài hát phát triển từ chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên như “Đợi chờ” (nhạc sĩ Nhật Lai), “Đêm thao thức” (Kpă Púi)… qua giọng hát trong vắt của đàn chim sơn ca núi rừng Kim Nhớ, H’Bênh, A Đam Đài Son… đã khiến bạn yêu nhạc sửng sốt bởi tiết tấu rộn ràng và vẻ đẹp mượt mà là lạ của giai điệu. 

Cũng từ sự lạ và đẹp đó, chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên tiếp tục được các nhạc sĩ chuyên nghiệp khai thác để làm nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng thời gian, từ những ca khúc “Tiếng hát xứ Mnông Tibri” (Nhật Lai), “Ca ngợi Anh hùng Núp” (Trần Quý) tới các tác phẩm nhạc không lời như nhạc múa “Rông chiêng” (Nhật Lai), nhạc múa “Ca Tu”  (Xuân Hòa), các tác phẩm khí nhạc như hòa tấu, giao hưởng thơ, đến cả những tác phẩm nhạc kịch (opera) đầu tiên của âm nhạc Việt Nam cũng được xây dựng trên chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên, như các vở “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận), “Bên bờ Krông Pa” (Nhật Lai). Sau này, những ca khúc ngân mãi với thời gian như “Em là hoa Plang” (Đức Minh), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp - Y Cla Vi), “Bóng cây Knia” (Phan Huỳnh Điểu - Ngọc Anh), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (Lê Lôi - Kpă Y Lăng)… đã mở ra một “chương” riêng cho âm nhạc Tây Nguyên song hành suốt chiều dài phát triển cùng đất nước. 

Được tắm mình trong âm thanh, nhịp điệu trữ tình của ching chêng, trong âm hưởng hào hùng của rừng đại ngàn, không chỉ có tâm hồn phóng khoáng mà còn cả tài năng nghệ thuật, hàng trăm người con Tây Nguyên xa quê hương tập kết ra Bắc đã được tuyển chọn thành lập Đoàn Ca múa Tây Nguyên, bắt đầu hình thành nên thế hệ đầu tiên của các ca sĩ và nhạc sĩ người các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Trước năm 1975, ở miền Bắc chỉ có ba tác giả người dân tộc thiểu số Tây Nguyên là Kpă Púi, Rchom Yơn và về sau thêm Kpă Y Lăng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ở chiến trường Tây Nguyên có thêm nhạc sĩ Nay Quách, Trưởng đoàn B3 của Tây Nguyên và nhạc sĩ Ama Nô, Trưởng đoàn B5 của tỉnh Đắk Lắk chuyên viết nhạc cho múa và ca khúc. Nội dung các tác phẩm, kể cả sáng tác ở miền Bắc hay miền Nam, gần như đều lấy đề tài ca ngợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước anh dũng của nhân dân ta với tiết tấu luôn vui tươi, rộn ràng; rất ít tác phẩm phát huy giai điệu mượt mà, trữ tình của dân ca Tây Nguyên. 

Các nhạc sĩ Tây Nguyên dự Hội thảo khoa học “Hội Nhạc sĩ Việt Nam 60 năm đồng hành cùng dân tộc”
Các nhạc sĩ Tây Nguyên dự Hội thảo khoa học “Hội Nhạc sĩ Việt Nam 60 năm đồng hành cùng dân tộc”.

Mãi đến năm 1980, tiếp cận, thấu cảm được âm nhạc dân gian Êđê, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho ra đời hàng loạt tác phẩm bằng chất liệu dân nhạc Êđê, khiến âm nhạc cả nước như được đón một làn gió mới; đồng thời cũng làm thay đổi quan niệm sáng tạo của nhiều nhạc sĩ về Tây Nguyên, trong đó có các nhạc sĩ hoạt động ngay tại các tỉnh cao nguyên, nhất là các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ sau 1980, đội ngũ sáng tác âm nhạc có thêm sự hiện diện của các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản, với nhiều thể loại âm nhạc tạo tác trên chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Tiêu biểu như: nhạc sĩ A Đuh, nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang (Gia Lai - Kon Tum); nhạc sĩ K’ra Zan Đick và K’ra Zan Plin (Lâm Đồng); các nhạc sĩ Y Sơn Niê, Linh Nga Niê Kdam và Y Phôn Ksor (Đắk Lắk)…  

Hơn 60 năm qua, nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ các tộc người Tây Nguyên đã lưu được dấu ấn của mình trong  giới âm nhạc chuyên nghiệp và trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Họ đã đồng hành cùng đội ngũ các nhạc sĩ Việt Nam, làm nên vẻ đẹp của âm nhạc cách mạng để ca ngợi quê hương, tình yêu con người và mảnh đất bazan đầy nắng gió.

Đến nay, thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ thứ tư, thứ năm của Tây Nguyên như Thảo Nam Giang, Y Joel Knul, Phi Ưng, Y Thư Ksor… Hoặc các ca sĩ, nhạc sĩ định cư ở xa quê nhà nhưng vẫn lấy âm nhạc Tây Nguyên làm lẽ sống như Đinh Xuân Đề, Y Ga Ria, Êban Tú, la Mai Y San, Y Ja Lin… Không chỉ bó hẹp trong phạm vi sáng tác ca khúc, nhiều tác phẩm hòa tấu nhạc không lời, nhất là cho dàn nhạc dân tộc đã ra đời, giành những huy chương vàng, bạc chuyên nghiệp một cách xứng đáng. Nhiều ca sĩ không những trưởng thành trên sàn diễn mà còn có khả năng tự sáng tác ca khúc, thiên nhiều hơn về nhạc nhẹ so với những sáng tác của đàn anh, bổ sung cho kho tư liệu bài hát, khí nhạc viết về Tây Nguyên ngày một thêm phong phú, đa dạng phong cách. Tình yêu quê hương, yêu dân tộc thấm đẫm trong tâm hồn, âm hưởng và nhịp điệu của ching chêng, của dân ca, dẫu đậm hay nhạt, nguyên bản hay phát triển, đều khiến ca khúc của họ mang những nét đặc trưng riêng khó lẫn. 

Không thể không nhắc đến đóng góp của các nhạc sĩ quê ở các vùng miền khác đã chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai, chọn âm nhạc dân gian Tây Nguyên cho sự nghiệp của mình, không chỉ trong tác phẩm âm nhạc mà còn cả trong những công trình nghiên cứu. Và còn rất nhiều các nhạc sĩ khác ngày càng điêu luyện và nghiêm túc hơn trong việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian của vùng đất mình đang sống, làm nên không chỉ ca khúc, mà còn cả những bản giao hưởng, hợp xướng, hòa tấu nhạc khí mang đậm âm hưởng hào hùng của ching chêng, giai điệu trữ tình tuyệt đẹp trong dân ca Hri, Hmon, hay những âm thanh hùng vĩ của sông suối, rừng đại ngàn Tây Nguyên.

Linh Nga Niê Kđăm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.