Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc phía Bắc huyện Ea Kar:

Đặc sắc và ấn tượng

10:55, 24/02/2019

Tuy lần đầu tiên được tổ chức nhưng Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc phía Bắc huyện Ea Kar năm 2019 vừa diễn ra đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách.

Từ rất sớm, đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc đang sinh sống tại 9 thôn, buôn của xã Cư Elang; thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện và nhân dân các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl đã xúng xính trong những trang phục truyền thống đa sắc màu cùng tề tựu tại thôn 6, xã Cư Elang để tham gia lễ hội.

Tiết mục hát giao duyên quan họ Bắc Ninh do đơn vị xã Ea Ô biểu diễn tại lễ hội.
Tiết mục hát giao duyên quan họ Bắc Ninh do đơn vị xã Ea Ô biểu diễn tại lễ hội.

Để tạo “sân chơi” và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong không gian văn hóa đa sắc màu của các dân tộc phía Bắc, nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn đã được tổ chức như: thi ném còn, đánh cù, lày cỏ, nhảy bao bố, kéo co nam - nữ, thi ẩm thực, giao lưu văn hóa văn nghệ, thi hát then, hát si... Đặc biệt, trong chương trình lễ hội, các đại biểu, người dân và du khách không chỉ được hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian mà còn được tham quan và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc như: thịt heo quay, gà nướng, cơm lam, bánh gio, bánh dày, chè lam và trái cây đặc sản của địa phương…

 
“Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc phía Bắc, thúc đẩy các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sự đoàn kết cùng chung sức xây dựng đời sống văn hóa và góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch văn hóa – sinh thái của địa phương”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Lê Ngọc Anh

Là người dân tộc Nùng vào sinh sống tại xã Cư Prông đã lâu, ông Mông Văn Phong rất vui mừng khi được tham gia lễ hội. Ông chia sẻ: “Lần đầu tiên đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc sinh sống trên địa bàn huyện Ea Kar được tham gia một lễ hội có quy mô lớn và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là cơ hội để các dân tộc anh em thể hiện nét đẹp văn hóa mà còn là dịp để chúng tôi được giao lưu học hỏi, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, chung tay xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp”.

Những hoạt động phong phú, hấp dẫn tại lễ hội đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ. Em Nguyễn Thị Thanh Nhàn, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ea Knốp phấn khởi: “Được tham gia lễ hội em cảm thấy vô cùng thích thú bởi được thưởng thức những món ăn truyền thống, có cơ hội tìm hiểu văn hóa, trang phục của các dân tộc và tham gia các trò chơi dân gian. Em rất mong những hoạt động bổ ích như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức để thế hệ trẻ có cơ hội trải nghiệm và trang bị thêm vốn kiến thức về văn hóa các dân tộc, các vùng miền...”.

Sự lôi cuốn trong phần thi lày cỏ thu hút đông đảo người dân dõi theo, cổ vũ.
Sự lôi cuốn trong phần thi lày cỏ thu hút đông đảo người dân dõi theo, cổ vũ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư Elang Lý Trung Đoàn, tuy còn nhiều bỡ ngỡ và lúng túng trong quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức các hoạt động của lễ hội, song xã Cư Elang đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác tổ chức, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các đoàn vận động viên, diễn viên, nghệ nhân cũng như du khách.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Kar, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội đánh giá: Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc phía Bắc huyện Ea Kar lần đầu tiên tổ chức đã thành công tốt đẹp, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, mua sắm, cổ vũ cho các hoạt động văn hóa thể thao. Gần 100 giải thưởng đã được Ban tổ chức trao cho các vận động viên, diễn viên, nghệ nhân và tập thể các đoàn tham gia cho thấy sự phong phú, đa dạng sắc màu trong văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc và sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Xuân Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.