Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ở Cuôr Đăng

13:59, 25/11/2019

Đã thành nếp, cứ thứ hai hằng tuần, những nữ công chức, viên chức dân tộc thiểu số làm việc tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) lại mặc trang phục truyền thống đi làm.

Việc làm này đã duy trì được 5 năm nay. "Việc sáng thứ hai hằng tuần mặc trang phục truyền thống đi làm giúp tinh thần của chị em trong cơ quan thêm phấn chấn. Đồng thời, hình ảnh của người cán bộ xã cũng trở nên đẹp đẽ, gần gũi hơn với nhân dân.

Đây cũng là một cách để tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến mọi người và cũng góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tạo cho bộ mặt của cơ quan thêm đẹp…", chị H’Rôya Kbuôr - cán bộ tư pháp - hộ tịch của xã bày tỏ.

Cán bộ, công chức, viên chức xã Cuôr Đăng mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hằng tuần.
Cán bộ, công chức, viên chức xã Cuôr Đăng mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hằng tuần.
 
Xã Cuôr Đăng hiện có hơn 2.500 hộ, hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Êđê chiếm khoảng 83%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xã đã huy động nguồn lực của cộng đồng cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn…”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Cuôr Đăng H’Nuer Niê

Việc mặc trang phục truyền thống tại công sở chỉ là một trong nhiều hoạt động, giải pháp được cấp ủy đảng, chính quyền xã Cuôr Đăng triển khai trong thời gian qua để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Bí thư Đảng ủy xã Cuôr Đăng H’Nuer Niê cho hay: Trải qua bao biến thiên của thời gian, cũng như sự hòa nhập văn hóa hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống trên địa bàn đã dần mất đi hoặc không còn nguyên vẹn như trước nữa.

Nhận thấy gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống là việc làm cấp bách, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, văn bản về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Các cán bộ xã phối hợp với cán bộ thôn, buôn đến từng nhà tuyên truyền, vận động các gia đình từ bỏ những hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh như: vệ sinh môi trường, trồng những đoạn đường hoa…

Tại các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xã khuyến khích các nghệ nhân tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ, cồng chiêng, thi tài về ẩm thực truyền thống; đồng thời lồng ghép các trò chơi, các môn thể thao dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo… để đưa vào các nội dung thi đấu.

Bên cạnh đó, hằng năm xã đều tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, thổi đing năm, đing puốt, dệt thổ cẩm... Hiện toàn xã có 3 đội chiêng nghệ nhân lớn tuổi và 2 đội chiêng trẻ của lứa tuổi thanh thiếu niên.

Mỗi khi có ngày lễ lớn, hoặc trong buôn có chuyện vui, chuyện buồn thì các đội chiêng lại tấu lên những bài chiêng quen thuộc. Đội chiêng của xã cũng thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn ở huyện, ở tỉnh và còn đại diện cho toàn tỉnh tham gia diễn tấu cồng chiêng tại Hà Nội.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê được truyền giữ qua các thế hệ tại xã Cuôr Đăng.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê được truyền giữ qua các thế hệ tại xã Cuôr Đăng.

Nói về việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương mình, nghệ nhân Y Tum Ayun (tên thường gọi là Ea Khendy) ở buôn Cuôr Đăng B vui vẻ nhận xét: “UBND xã rất quan tâm, chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đã vận động người dân, gặp gỡ người già trong buôn để tìm hiểu nét văn hóa, phong tục đang dần mất đi để khôi phục. Được xã tuyên truyền, hỗ trợ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, người dân ai nấy đều tích cực tham gia, qua đó thêm hiểu và thêm yêu điệu múa, cồng chiêng, lời khan của dân tộc mình…”.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.