Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc Tết của người M'nông

17:14, 25/01/2020

Những ngày này, đồng bào M’nông ở buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đang rộn ràng đón Tết.

Trên nẻo đường quê, bước chân của các mẹ, các chị như vội vàng hơn. Trong ngôi nhà sàn của già làng Y Kriêng Bkrông, những ché rượu cần đã được xếp dài. Đặc biệt hơn, năm nay là tròn 100 mùa rẫy già Y Kriêng vui Tết cùng con cháu, cùng buôn làng. Dù đã lớn tuổi nhưng già Y Kriêng còn mẫn tiệp lắm. Già cho biết: Không giống Tết của người Kinh là vào ngày đầu năm âm lịch, Tết của người M’nông được tổ chức khi mùa vụ đã xong, lúa đã đầy bồ, cũng chính là lễ hội mừng lúa mới diễn ra vào các ngày cuối tháng 12 dương lịch. Già Y Kriêng bảo: “Trong tâm thức của người M’nông, mọi lễ hội đều sau mùa lúa chín. Vào dịp này, người M’nông không đón Tết riêng rẽ từng gia đình mà cả dân làng cùng quây quần vui chơi bên nhau…”.

Già Y Kriêng cũng chính là người duy nhất trong buôn còn giữ được bí quyết nấu rượu cần truyền thống của người M’nông từ xưa với cách làm men đặc biệt. Đó là dùng cây que, bao tử hoặc ruột non của con nhím đem phơi khô rồi giã nhuyễn trộn với bột gạo nắm thành bánh to như chiếc bát rồi phơi khô tạo thành men... Vừa kiểm tra lại những ché rượu cần được nấu sớm từ tháng 6, già Kriêng cười nói: “Ngày Tết mà thiếu rượu cần thì không vui. Nhà càng có điều kiện càng có nhiều ché rượu để đãi khách”.

Những cô gái M’nông  duyên dáng  trong trang phục truyền thống.
 

 

Những cô gái M’nông duyên dáng trong trang phục truyền thống.
Những cô gái M’nông duyên dáng trong trang phục truyền thống.

Nói về nghi lễ ngày Tết của đồng bào mình, ông Y Văn Niê một người uy tín trong buôn tự hào: Người M’nông nơi đây vẫn giữ được phong tục đón Tết đặc sắc. Đầu tiên là lễ cúng lúa mới rồi đến lễ cúng sức khỏe cho con cháu trong nhà với những mâm lễ thịnh soạn gồm nếp, thịt heo, rượu... dâng lên thần linh. Gia đình nào kinh tế khá giả thì có thêm lễ cúng cây trụ “Na Plang”. Sau các lễ cúng, đồng bào M’nông sẽ mở hội, cùng vui chơi bên ché rượu, tiếng chiêng vang...

 

“Là cư dân bản địa Tây Nguyên, người M’nông đón Tết với những cách thức vừa có điểm chung vừa có nét riêng, thể hiện mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp giữa các dân tộc trên cùng một địa bàn sinh sống.

 
Ông Phạm Đình Tấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông

Ông Y Văn Niê giải thích thêm về “Na Plang”: Trước ngày Tết, người M’nông sẽ vào rừng chặt cây gòn gai dài 3 m, sau đó chạm khắc nhiều hoa văn xung quanh thân. Phía trong của cây được đục rỗng để bỏ những đồ vật thân thuộc gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người M’nông như dao, rựa, cây lao… rồi dựng trước sân. Đến ngày diễn ra lễ hội mừng lúa mới, chủ nhà sẽ cúng trụ “Na Plang” với ý nghĩa cảm ơn thần linh đã phù hộ những đồ vật giúp họ làm ăn trong năm qua...

Cũng giống như buôn H’Ngô A, người M’nông ở buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui) cũng đang rộn ràng đón Tết. Để giúp chúng tôi hiểu hơn về nét đẹp ẩm thực ngày Tết của đồng bào mình, Trưởng buôn Y Thu Niê giới thiệu: “Vào ngày Tết, người M’nông thường nấu cơm gạo nếp thay gạo tẻ. Cách nấu là dùng quả bầu khô cắt đáy, đục lỗ nhỏ xung quanh thân, cho nếp vào rồi dốc ngược lại bỏ vào nồi đất nấu dưới bếp củi. Theo cách này nếp sẽ thơm ngon hơn so với nấu trong nồi. Ngoài ra, còn có món canh bột nguyên liệu là lá dao hái trong rừng và gạo ngâm; thịt heo trộn với tiết, lá thơm, lá sả, bắp rang; canh cà đắng, măng xào...”.

Những năm gần đây khi đời sống sung túc hơn, bên cạnh lễ cúng lúa mới, đồng bào M’nông nơi đây còn tổ chức đón thêm Tết Nguyên đán truyền thống của người Kinh. Chị H’Nghiệp Byă tâm sự: “Hòa chung niềm vui vào ngày Tết của cả nước, chúng tôi cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống tươm tất để mời tất cả mọi người trong buôn đến chơi, nhà người Kinh cũng như nhà người M’nông để chúc cho nhau những lời tốt đẹp đầu năm mới”.

Thùy Duyên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.