Multimedia Đọc Báo in

Người mê sưu tầm hiện vật văn hóa Êđê

07:16, 29/01/2020

Đam mê văn hóa Tây Nguyên, anh Trần Quốc Toản (công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin) đã rong ruổi đến các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm kiếm và sưu tầm các đồ vật đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Êđê.

Trong căn nhà của mình ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), anh Toản dành một phần lớn diện tích để làm “kho” cất giữ cẩn thận những đồ vật mà mình sưu tầm trong nhiều năm qua. Nói về niềm đam mê sưu tầm của mình, anh Toản cho biết, trong quá trình sinh sống và làm việc tại huyện Cư Kuin, anh có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với bà con dân tộc thiểu số tại buôn kết nghĩa thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ như đánh chiêng, đốt lửa trại, uống rượu cần, múa xoang...

Điều đó đã để lại cho anh một ấn tượng đặc biệt về nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Khi thấy nhiều vật dụng sinh hoạt thường ngày đến những đồ vật có giá trị tâm linh đều bị người dân đem bán dần, anh cảm thấy xót xa và đau đáu một nỗi niềm là làm thế nào để lưu giữ lại được những giá trị truyền thống của người Êđê đang dần bị mai một.

Anh Toản và những đồ vật sưu tầm được.
 

 Sau thời gian tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu về văn hóa, anh chọn cách sưu tầm để góp phần bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc Tây Nguyên. Từ năm 2011, anh thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi về các buôn làng để sưu tầm đồ. Đó là những bộ cồng chiêng, ché rượu cần, trống da trâu cho đến bát đĩa, đồ cúng bằng đồng, xà gạc, vòng công tua… Những món đồ này anh đều mua với giá từ một vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Món đồ đầu tiên mà anh mua được là một chiếc ché có màu xanh biếc đã được sử dụng qua ba đời của một gia đình ở buôn Ea Kmar (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) với giá hơn 1 triệu đồng. Trong quá trình tìm mua, anh cũng gặp không ít khó khăn như có những món đồ chỉ cần hỏi là mua được ngay nhưng cũng có những thứ phải đến vài lần thậm chí là phải mấy tháng liền họ mới đồng ý bán; hay khi anh cần thì họ không bán, đến khi quay lại thì chẳng còn để mua.

Anh Toản chia sẻ: “Vì đam mê nên hễ nghe có người mách ở đâu có đồ vật mình cần thì dù chưa có đủ tiền mình cũng chạy đi mượn để mua vì sợ họ bán cho người khác mất. Khi sở hữu được món đồ mình yêu thích thì mừng rơi nước mắt”.

Anh Toản và những đồ vật sưu tầm được.
Anh Toản và những đồ vật sưu tầm được.


Cùng với việc bỏ công sức và tiền của để sưu tầm, anh còn dành nhiều thời gian tìm gặp những người có cùng sở thích, đam mê để tham khảo cách chơi, trao đổi đồ và nâng cao kiến thức về văn hóa dân tộc. Sau hơn 8 năm dày công tìm kiếm, anh Toản đã sở hữu một bộ sưu tập khá đồ sộ với khoảng 1.000 hiện vật các loại, nổi bật trong đó là hàng trăm chiếc ché rượu cần, một đồ vật được sử dụng phổ biến nhất trong đời sống của người Êđê.

Từ bộ sưu tập đồ vật này, anh cũng đã tạo điều kiện các em học sinh, giáo viên có cơ hội được tìm hiểu về giá trị văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên một cách trực quan, sinh động, tạo tiền đề thực hiện các đề tài nghiên cứu, giới thiệu về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Với mong muốn khuyến khích nhiều cá nhân tham gia bảo tồn, lưu giữ các hiện vật có giá trị của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đầu năm 2019, anh Toản đã hiến tặng hai chiếc ché, một chiếc nồi đất và một số bát đĩa cho Bảo tàng tỉnh để trưng bày và giới thiệu đến công chúng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.