Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một nhạc sĩ "tay ngang"

18:42, 18/04/2020

Nhạc sĩ Hồ Tuấn (SN 1964, tại Thừa Thiên Huế ) hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng, được nhiều người biết đến như một nhạc sĩ không chuyên khá nổi tiếng.

Trước đây, nhạc sĩ Hồ Tuấn học hệ trung cấp đồ họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Huế). Sau khi ra trường, ông được phân công về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Từ năm 1989 đến nay, ông chuyển về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng.

Nhạc sĩ Hồ Tuấn.
Nhạc sĩ Hồ Tuấn.

Nhạc sĩ Hồ Tuấn chia sẻ, mặc dù không được đào tạo chính quy, chuyên sâu về âm nhạc mà chỉ được học guitar qua lớp học nhạc cụ của những người thầy dạy tư ở Huế, nhưng với niềm đam mê của mình ông đã tự tìm tòi, học hỏi để trải nghiệm mình trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Với niềm đam mê cộng với thiên năng nghệ thuật “trời phú”, năm 2003, Hồ Tuấn bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình với những sáng tác đầu tay được giới thiệu đến công chúng. Từ đó, người nhạc sĩ này đã đạt được không ít thành tựu trong lĩnh vực này.

Hồ Tuấn tâm sự, tuy không được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, nhưng nền văn hóa, con người và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất này đã lôi cuốn rồi trở thành một phần trong cuộc sống của ông. Với tình yêu của mình với Tây Nguyên, nhạc sĩ Hồ Tuấn đã viết nên những giai điệu mang âm hưởng hào hùng của vùng đất đầy nắng gió này. Nhạc sĩ bắt đầu được đông đảo thính giả biết đến tên tuổi với những ca khúc “Truyền thuyết Krông Năng” (sáng tác năm 2003), “Buôn Đôn chiều” (2007), “Đêm nhà dài” (2009); “Đêm Ban Mê” (2010)… Sự lan tỏa của những tác phẩm âm nhạc này trong công chúng đã phần nào nói lên được tài năng của một nhạc sĩ không chuyên như Hồ Tuấn.

Không chỉ nổi bật với những sáng tác đậm âm hưởng Tây Nguyên, nhiều sáng tác của Hồ Tuấn cũng đi vào lòng người bởi sự ngọt ngào, sâu lắng, trữ tình. Điều này được thể hiện rõ trong các ca khúc “Hoài niệm Hội An” (2010), “Đà Lạt ngàn hoa” (2012), “Hà Nội cuối đông” (2015), “Về Hương Giang” (2015), “Bâng khuâng thu Tây Hồ” (2016).

Với tình yêu dành cho âm nhạc cùng với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nhạc sĩ Hồ Tuấn đã gặt hái nhiều thành công. Ca khúc “Buôn Đôn chiều” được dàn dựng trong Chương trình “Tây Nguyên nắng gió đại ngàn” do Đài Truyền hình Đà Nẵng thực hiện và đã đoạt giải Ấn tượng trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2015. Ca khúc  “Lời Chiêng” được Đài Truyền hình Đắk Lắk dàn dựng trong Chương trình “Tiếng sáo rừng vọng”, đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016. Đặc biệt ca khúc “Khóc rừng” được Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk dàn dựng và đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN năm 2019. Bên cạnh đó, nhạc sĩ còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; giải C cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Krông Pắc; giải C cuộc thi sáng tác ca khúc viết về công cuộc cải cách hành chính...

Có thể nói, sự đam mê âm nhạc và tình yêu với mảnh đất, con người miền cao nguyên đất đỏ đã giúp chàng trai cố đô đạt được những thành công trong sự nghiệp của mình. Ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Hồ Tuấn, năm 2017 ông vinh dự được Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết nạp làm hội viên.

Thùy Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.