Multimedia Đọc Báo in

Những đền thờ Bác Hồ ở miền Tây Nam Bộ

06:28, 17/05/2020

Ngay sau khi Bác Hồ mất (năm 1969), nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã lập đền thờ Bác để tỏ lòng thương tiếc vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc như: xã Lương Tâm (Hậu Giang); xã Long Đức (Trà Vinh); xã Châu Thới (Bạc Liêu); xã An Thạnh Đông (Sóc Trăng); xã Thanh Hưng (Tiền Giang)...

Đền thờ Bác ở Cù Lao Dung

Con đường đến đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) nay đã được xây dựng to rộng, khang trang, hai bên đường mát rượi bóng cây. Ít ai biết rằng trước đây xã nông thôn mới này là một trong những địa phương nghèo nhất ở Sóc Trăng, từng bị bom đạn chiến tranh tàn phá dữ dội trong những năm chống Mỹ ác liệt. Người dân đã xây dựng đền thờ Bác Hồ để thể hiện một lòng theo Đảng, theo Bác làm cách mạng.

Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng).
Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng).

Ông Nguyễn Văn Tạo (88 tuổi) là người trực tiếp xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác từ năm 1969 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Theo lời kể của ông Tạo, năm 1969 khi Bác Hồ mất, ông đang là Xã đội phó, được giao nhiệm vụ chỉ huy tổ du kích gồm 12 người bảo vệ khu vực xây dựng đền thờ Bác. Ông xúc động: “Hồi đó tụi Mỹ ngụy biết mình xây đền thờ nên liên tục bắn phá, càn quét. Tuy nhiên du kích mình đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ đền, nhiều người đã anh dũng hy sinh nhưng đền thờ Bác vẫn an toàn trong lòng địch”.

Việc xây dựng phải làm vào buổi chiều và ban đêm; vừa xây đền, vừa tổ chức đánh địch tấn công bằng máy bay, tàu chiến. Nguy hiểm vậy nhưng quân dân địa phương kiên quyết thực hiện dù có phải hy sinh. Nhiều người dân ban đêm đã vượt vòng vây của địch vào tận nơi tiếp tế lương thực, vật tư xây dựng. Lúc này địch bố trí rất nhiều đồn tạo thành thế gọng kìm bao vây ta, trong đó có đồn Vàm Tắc (Lòng Đầm) và đồn Rạch Chồn chỉ cách khu vực xây dựng đền thờ Bác Hồ từ 800 - 1.800 m với đầy đủ trang thiết bị hiện đại và quân số lên đến hàng nghìn tên. Tuy nhiên, mỗi khi địch tổ chức càn quét vào khu vực xây dựng đền đều bị tổn thất nặng nề. Sau hơn 3 tháng thi công xây dựng cả ngày lẫn đêm, đền thờ Bác đã hoàn thành trong niềm vui của quân dân Cù Lao Dung.

Sau ngày đất nước thống nhất, đền thờ Bác đã được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều lần với nhiều hạng mục và được bổ sung thêm những hiện vật quý hiếm. Năm 2001, đền thờ Bác Hồ ở Cù Lao Dung được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng nhân dân huyện Cù Lao Dung mà cả quân dân tỉnh Sóc Trăng.

Phủ thờ Bác ở Tiền Giang

Người dân xã Tân Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gọi là “phủ” mà không gọi là đền thờ Bác là để tỏ lòng ngưỡng vọng, trân trọng vô bờ bến đối với Bác Hồ. Đây cũng cách gọi riêng biệt nhất để phân biệt với các điểm lập đền thờ Bác ở miền Tây Nam Bộ.

Phủ thờ Bác ở xã Tân Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Phủ thờ Bác ở xã Tân Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Ông Nguyễn Thành Có (85 tuổi) kể, trước ngày miền Nam giải phóng, huyện Cái Bè có hai phủ thờ Bác Hồ khác được xây dựng vào năm 1972 ở xã Mỹ Thiện (sau này tách thành hai xã Thiện Trung và Thiện Trí) và xã Hậu Mỹ Nam để tỏ lòng tưởng nhớ Bác. Tại xã Mỹ Thiện, phủ thờ Bác được xây dựng tại ấp Mỹ Phúc cạnh rạch Cả Sơn trên phần đất của ông Đỗ Văn Điệu. Phủ được xây dựng kiểu hình tròn, lợp tôn xi măng, vách bằng cây, trong phủ có ảnh Bác, phía trước là cột cờ. Phủ thờ Bác thứ hai tọa lạc tại ấp Mỹ Tường, xã Hậu Mỹ Nam có kết cấu tương tự như ngôi phủ ở xã Mỹ Thiện. Sau đó, địch phát hiện đánh phá rất ác liệt cả hai phủ thờ nhưng bất thành bởi sự bảo vệ quyết liệt của nhân dân và lực lượng du kích địa phương. Đặc biệt là quân dân ta đã đánh bại trận càn quét quy mô lớn của địch tại phủ Mỹ Thiện suốt 7 ngày đêm khiến địch tiêu hao lực lượng rất lớn, tạo tiếng vang trên chiến trường miền Nam.

Phủ thờ Bác ở xã Tân Hưng được xây dựng từ tháng 8-1975 và hoàn thành sau 12 tháng. Đến năm 1983, phủ thờ được trùng tu, nâng cấp khang trang, uy nghiêm, trang trọng. Khuôn viên phủ thờ được bao bọc bởi các loại hoa, cây cảnh, nhất là cây vú sữa miền Nam rất xanh tươi, cành lá sum suê như tấm lòng người dân miền Nam với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Phủ thờ được mở cửa thường xuyên để đón khách tham quan đến thắp hương tưởng nhớ Bác.

Anh Thư - Thanh Liêm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.