Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức khung cửi ở buôn Wiâo A

09:53, 28/11/2020

Giữa nhịp sống hiện đại, các bà, các mẹ ở buôn Wiâo A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) vẫn miệt mài bên khung cửi để dệt những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Chúng tôi đến buôn Wiâo A vào một buổi sáng đầu tháng 11, mọi người trong buôn đều đã lên rẫy, chỉ còn một vài nhà lác đác bóng dáng người già và trẻ con. Lần theo con đường giữa buôn, chúng tôi đến nhà bà H’Num Niê (67 tuổi) đúng lúc bà đang tất bật dệt nốt tấm vải để may áo. Vừa thoăn thoắt đôi tay, bà H’Num hào hứng kể, từ năm 15 tuổi, bà đã thường xem các bà, các mẹ dệt vải, rồi từ đó thích thú, tự mày mò học hỏi cách dệt sao cho đúng, cho đẹp. Đến khi lập gia đình, bà đã có thể tự dệt những chiếc địu, chiếc áo cho con.

Bà H'Num Niê (ở buôn Wiâo A, thị trấn Krông Năng) miệt mài bên khung cửi.
Bà H'Num Niê (ở buôn Wiâo A, thị trấn Krông Năng) miệt mài bên khung cửi.

Chỉ vào khung cửi đang dệt, bà H’Num tự hào giới thiệu: "Đây là khung cửi bà ngoại tôi để lại, nên tôi rất quý trọng. Cũng nhờ chiếc khung cửi này mà tôi đã nuôi 10 người con khôn lớn". Bà tiếp lời, ngày trước trong buôn Wiâo A có nhiều người dệt vải, hầu hết mọi người tự dệt theo nhu cầu sử dụng trong gia đình chứ không đi mua. Rồi theo thời gian, họ lần lượt gác khung cửi để lo làm kinh tế, riêng bà vẫn cần mẫn dệt những tấm vải thật đẹp. Nhiều người trong và ngoài buôn thấy bà dệt đẹp liền đến đặt mua, cứ như vậy bà gắn bó với nghề dệt truyền thống suốt từ đó đến nay.

“Hoa văn trên thổ cẩm của người Êđê phản ánh thế giới tự nhiên của con người, đó là những thứ gần gũi với cuộc sống như: rau dớn, quả trám, cây dương xỉ, con rồng, cối giã gạo… thể hiện mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Ngày nay, từ những họa tiết, hoa văn truyền thống, phụ nữ Êđê còn cách điệu, sáng tạo trong khi dệt như: thêm sợi, thêm hình, phối màu nhằm tạo nhiều hoa văn độc đáo để tấm thổ cẩm trở nên sặc sỡ hơn”.
H’Num Niê, buôn Wiâo A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng)

Mỗi ngày bà H’Num đều ngồi dệt từ sáng đến tận chiều. Vải sau khi dệt xong được bà may thành váy, áo, chăn, khăn... Với bà, dệt thổ cẩm tuy vất vả nhưng đổi lại chan chứa niềm vui bởi được làm công việc mình yêu thích. Vì dệt thủ công nên những tấm vải có màu sắc, hoa văn đặc trưng, cầu kỳ, bà phải làm cả nửa tháng mới hoàn thiện. Các con của bà cũng tranh thủ giúp mẹ quảng bá sản phẩm truyền thống trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) để những ai có nhu cầu đặt mua. Nhờ vậy, không chỉ dệt vải để sử dụng trong gia đình hay bán cho người trong buôn, mỗi năm bà H’Num còn dệt may được vài chục bộ áo, váy truyền thống, địu, khăn… để bán trong và ngoài tỉnh, đem lại một khoản thu nhập giúp bà trang trải cuộc sống.

Theo bà H’Num, từ xưa đến nay, nghề dệt thổ cẩm chỉ được truyền miệng, vừa làm vừa học, không sách vở nào ghi chép lại một cách chi tiết, chính xác công thức dệt cũng như việc tạo hình hoa văn. Thấy con gái hào hứng với nghề dệt truyền thống, bà đã truyền nghề cho con. Chị H’Li Sa Bêt Niê (26 tuổi), con gái bà được mẹ dạy cách dệt từ năm học cấp 2, đến nay cũng đã biết dệt những hoa văn đơn giản… "Dệt vải truyền thống thoạt nhìn đơn giản nhưng quả thực khi ngồi vào khung cửi mới thấy hết độ khó của nó, đặc biệt trong việc tạo hình những hoa văn cầu kỳ trên váy, áo. Đây là nghề không dành cho người thiếu kiên nhẫn, bởi cần sự tỉ mỉ, khéo léo, đặc biệt phải có niềm đam mê và tâm huyết mới có thể làm được", chị H’Li Sa Bêt trò chuyện.

 

Bà H'Num Niê  (bên trái)  giới thiệu  sản phẩm  thổ cẩm  cho  khách hàng.  
Bà H'Num Niê (bên trái) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm cho khách hàng.

Hiện tại, ở buôn Wiâo A có khoảng bốn người thường xuyên gắn bó với khung cửi, với nghề dệt truyền thống để tạo ra những tấm vải thổ cẩm đặc sắc và đưa sản phẩm ra thị trường. Và có khoảng vài chục người biết dệt vải nhưng chỉ ngồi vào khung cửi khi gia đình có nhu cầu cần sử dụng. Như bà H’Bhiêo Mlô (59 tuổi), trước đây cũng hay dệt vải, nhưng bây giờ bận rộn với nương rẫy nên khung cửi của gia đình được cất giữ cẩn thận vào một góc nhà. Chỉ khi nào cần vải sử dụng bà mới mang ra, như vừa rồi con gái của bà sinh con, bà liền mang khung cửi ra để dệt một chiếc địu làm quà cho con cháu.   

Trưởng buôn Wiâo A Y Vi Na Niê cho biết, buôn Wiâo A có 313 hộ, trong đó người Ê đê chiếm khoảng 80%. Đến nay, nghề dệt vải truyền thống của đồng bào Ê đê vẫn còn được lưu giữ ở đây, tuy vậy đa số những người gắn bó với nghề đều đã lớn tuổi. Cùng với việc khuyến khích giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, những ngày buôn làng vào hội, đặc biệt là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban tự quản buôn luôn động viên bà con sử dụng trang phục truyền thống để mọi người càng trân quý hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Huyền Diệu

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.