Multimedia Đọc Báo in

Se lanh dệt vải cùng đồng bào Hmông

21:21, 30/11/2020

Se lanh dệt vải, may thêu trang phục truyền thống là một trong những nghề thủ công đặc trưng của đồng bào Hmông ở miền núi phía Bắc, hiện được khai thác đưa vào phục vụ du lịch khá hiệu quả.

Đến thăm bản làng đồng bào Hmông cheo leo lưng chừng núi, du khách được trải nghiệm các công đoạn làm nên sản phẩm rất đặc trưng cho phong tục tập quán của đồng bào cũng như đặc điểm thiên nhiên nơi đây.

a
Trải nghiệm công đoạn kéo sợi dệt vải

Để làm nên một bộ trang phục Hmông truyền thống cần rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ se sợi, dệt vải, nhuộm đến vẽ, thêu, can chắp và may ráp thành phẩm. Từ nguyên liệu thiên nhiên là cây lanh, lá rừng, những người phụ nữ Hmông đã kỳ công dệt nên tấm vải rất bền chắc, ấm áp hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tiếp đó lại kỳ công tạo nên những họa tiết, hoa văn sinh động trên vải thành thổ cẩm lanh độc đáo. Hoa văn rất mộc mạc, gợi lên những hình ảnh quen thuộc gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất, phong cảnh thiên nhiên nơi đây.

a
Tìm hiểu công đoạn nhuộm chàm

 Trong đó, trang phục đặc sắc nhất phải kể đến tấm váy xòe xếp ly với họa tiết sinh động vẽ bằng sáp ong của phụ nữ Hmông. Ngoài hình vẽ bằng sáp, phối trên gam màu nóng, trang phục còn được thêu thùa, ghép vải và đính thêm đồ bạc, kim sa, hạt cườm... tạo ra những mảng màu và hoa văn sặc sỡ, uyển chuyển. Vì thế, đây không còn đơn thuần là trang phục, mà còn được dùng như một điểm nhấn trong trang trí ở một số điểm du lịch.

a
Họa tiết thổ cẩm trên váy Hmông trở thành điểm nhấn trang trí tại điểm du lịch

Được biết, người Hmông từ xa xưa chỉ dùng vải dệt từ sợi lanh vì có độ bền cao, mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Mỗi phụ nữ Hmông đều phải biết dệt vải, may trang phục cho cả gia đình. Để dệt một bộ trang phục truyền thống của người Hmông từ vải lanh có khi mất cả năm trời vì phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mẩn, phức tạp, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Vì thế, bộ trang phục truyền thống cũng được xem như thước đo tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ Hmông.

a
Du khách trong trang phục truyền thống trải nghiệm tập quán sinh sống của đồng bào Hmông

Được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm ra mảnh vải, tạo ra sản phẩm, du khách cảm nhận sâu sắc hơn sự cần mẫn và khéo léo của phụ nữ Hmông cũng như ý nghĩa của nghề se lanh dệt vải trong đời sống văn hóa của đồng bào Hmông, do đó việc được thử sử dụng sản phẩm đó trở nên hết sức thú vị. Hầu như mọi du khách khi đến tham quan những bản du lịch ở đây đều hào hứng với việc “hóa thân”  thành đồng bào Hmông trong trang phục truyền thống, đi cùng các hoạt động trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào.

Ngày nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, tiện nghi và hiện đại hơn nhưng những phụ nữ Hmông vẫn giữ gìn bản sắc qua trang phục độc đáo của họ, vẫn trồng lanh dệt vải. Nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Hmông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy sự  phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Được biết, tỉnh Hà Giang – nơi có đông đồng bào Hmông sinh sống – đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào phát triển nghề truyền thống, đưa sản phẩm đi vào đời sống một cách thiết thực, sinh động. Ngoài trang phục truyền thống, phụ nữ Hmông đã năng động tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới từ vải lanh với nhiều màu sắc và các họa tiết hoa văn tinh tế. Cùng sự hỗ trợ của ngành chức năng, các sản phẩm dệt lanh đã được quảng bá, giới thiệu tại nhiều nơi trong nước và cả nước ngoài, thu hút du khách.

Hoa Hồng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.