Nghị quyết 06: Động lực thúc đẩy phát triển đô thị
Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2022. Nghị quyết chuyên đề đầu tiên này của Đảng về phát triển đô thị là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Cú hích toàn diện về cơ chế, chính sách
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Khu vực phía bắc TP. Buôn Ma Thuột đang được quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển. Ảnh: Hoàng Gia |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc thống nhất nhận thức, hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Việc đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam sớm đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tâm thế của một thủ phủ vùng
“Việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại và lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật; ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả; sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể ”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng |
Nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đô thị là động lực, hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương và toàn vùng Tây Nguyên, ngày 26/10/2012, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của phát triển đô thị bền vững trong quá trình phát triển của xã hội.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, công tác phát triển đô thị có tác động không nhỏ đến thu hút các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị của mỗi địa phương và kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức như: đầu tư xây dựng và phát triển đô thị còn dàn trải, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tiêu chí đô thị; công tác quản lý vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị; quy hoạch thiếu hợp lý, sử dụng năng lượng, tài nguyên còn lãng phí…
Chính vì vậy, tại Kết luận số 426-KL/TU ngày 27/8/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/10/2012 của Tỉnh ủy đến năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, để xây dựng tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng cần phải cụ thể hóa được các yêu cầu nhiệm vụ về phát triển đô thị tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống đô thị tỉnh phù hợp với lộ trình phát triển hệ thống đô thị quốc gia; quan tâm phát triển các đô thị lớn, động lực của tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột là đô thị đầu mối kết nối với các trung tâm kinh tế, xã hội cấp vùng); đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa đồng bộ với chất lượng đô thị, phát huy các thế mạnh của tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Quản lý đô thị theo hướng khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, khai thác giá trị văn hóa, tạo hình ảnh đô thị có bản sắc riêng, dựa trên yếu tố bảo vệ môi trường, điều kiện tự nhiên (địa hình, đồi núi, sông suối...). Quản lý không gian cảnh quan dọc các suối nội thị, không gian nhà vườn ven trung tâm đô thị, khai thác các vùng rừng đặc dụng cho du lịch...
Phát triển hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Ảnh: Hoàng Gia |
Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung nguồn lực phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam theo Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2014 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc