Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để nâng “chất” cho dòng vốn ODA? (kỳ 1)

08:00, 21/12/2023

Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương. Đây được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho các công trình hạ tầng cơ sở trọng điểm.

Kỳ 1: Dấu ấn từ những dự án ODA

Thời gian qua, có nhiều công trình, dự án triển khai từ nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phát triển KT-XH, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.

Từ các công trình thủy lợi...

Nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình bảo đảm an toàn các hồ chứa nước thông qua sửa chữa, nâng cấp các đập ưu tiên, tăng cường năng lực quản lý và vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng, KT-XH vùng hạ du, ngày 2/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (Dự án WB8). Dự án có tổng mức đầu tư 443 triệu USD, trong đó 415 triệu USD được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và 28 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

Dự án Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số hạng mục hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có nguồn vốn ODA. Ảnh: Tư liệu

Là một trong 34 tỉnh tham gia thực hiện Dự án WB8, năm 2023, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk (Tiểu dự án WB8) đã hoàn thành và kết thúc hiệp định vay. Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban quản lý Tiểu dự án WB8 cho biết, Dự án đã xây dựng, sửa chữa 19 hồ chứa trên địa bàn 10 huyện, thị xã của tỉnh và đảm bảo năng lực phục vụ tưới ổn định cho hơn 5.452 ha cây trồng. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án đã xây dựng một số hạng mục giao thông trên mặt đập và đường quản lý vận hành, giúp nhân dân các địa phương đi lại, vận chuyển nông sản được dễ dàng, giảm chi phí sản xuất.

Là một trong số rất nhiều người dân được hưởng lợi từ Tiểu dự án WB8, ông Y Phen Byă (buôn Ea M’ta, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) chia sẻ, gia đình ông canh tác hơn 1 ha cà phê xen tiêu và các loại cây trồng khác tại vị trí cách hồ chứa Ea M’ta khoảng 700 m. Tuy nhiên, do được xây dựng đã lâu nên đập chứa nước bị rò rỉ và hồ hay bị cạn nước vào mùa khô. Vì vậy, ông và nhiều hộ dân xung quanh thường bị thiếu nước tưới cho cây trồng; nhiều hạng mục khác của hồ chứa cũng hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn. Từ khi hồ chứa Ea M’ta được đầu tư sửa chữa không những đảm bảo nguồn nước tưới mà người dân đi lại qua đường trên mặt đập cũng an toàn hơn.

Quốc lộ 29 được nâng cấp, cải tạo từ Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk.

Đến dự án đa ngành

Tuy đang trong giai đoạn hoàn thành nhưng hiện nay một số hạng mục thuộc Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Tiểu dự án) đã cơ bản hoàn thiện công tác xây dựng, hỗ trợ.

 

Từ năm 2016 – 2022, trên địa bàn tỉnh có 5 chương trình, dự án ODA được triển khai thực hiện. Đến nay đã có 1 dự án hoàn thành, 2 dự án đã kết thúc hiệp định vay và 2 dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Tiểu dự án có vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là dự án đa ngành, nhằm mục tiêu cải thiện các kết nối giao thông tại 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum. Tại Đắk Lắk, Tiểu dự án được thực hiện tại các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ, với tổng vốn gần 647 tỷ đồng (tương đương 28,55 triệu USD), trong đó vốn vay ODA hơn 498 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 148 tỷ đồng.

Đến nay, chủ đầu tư Tiểu dự án là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành một số hạng mục như: Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho các địa phương mà dự án đi qua (bao gồm các xã dọc Quốc lộ 29, các cán bộ quản lý giao thông tại địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại các huyện: Krông Búk, Cư M'gar, Buôn Đôn); Nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch cộng đồng tại buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) và buôn Yang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn); Thực hiện kế hoạch hành động giới (GAP) và kế hoạch quản lý môi trường. Riêng đối với hạng mục nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 29 đoạn từ Quốc lộ 14 (huyện Krông Búk) đến xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã hoàn thành 98%. Các hạng mục khác thuộc Tiểu dự án dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Hồ Ea M’ta (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) được xây dựng, sửa chữa từ Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk.

Là một trong ba buôn được Tiểu dự án hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động du lịch và xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng, thời gian qua, buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) đã được đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và cổng chào khang trang. Đồng thời, được hỗ trợ bảo tồn, khôi phục bến nước, nâng cấp nhà dài và được tập huấn về làm du lịch cộng đồng. Chị H'En Liêng (buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chia sẻ, từ khi có Tiểu dự án về buôn, chị cùng nhiều người dân khác được chỉ dạy tận tình về những kiến thức làm du lịch, cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn những nét đẹp của dân tộc mình. Gia đình chị còn được hỗ trợ tủ và nệm để có thể sẵn sàng làm du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những “rào cản” trong quá trình lưu thông dòng vốn ODA

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.