Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui trong giải ngân vốn đầu tư công

07:42, 01/03/2024

Nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã cải thiện đáng kể. Từ đó, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2024 của tỉnh.

Chuyển biến trong tỷ lệ giải ngân vốn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh được giao là hơn 7.267 tỷ đồng, trong đó phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc ngân sách tỉnh quản lý hơn 5.096 tỷ đồng. Đến ngày 31/1/2024, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 4.093/5.096 tỷ đồng, đạt 80,3% kế hoạch (cao hơn 1,5% so với cùng kỳ năm trước).

Nếu tính theo số liệu UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương điều chỉnh giảm vốn nước ngoài hơn 139,4 tỷ đồng thì đến ngày 31/1/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 83% kế hoạch sau điều chỉnh giảm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân hơn 2.456/3.302 tỷ đồng (74,4%); nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân gần 1.636/1.794 tỷ đồng (91,2%).

Đặc biệt, năm 2023, nhiều đơn vị, chủ đầu tư và một số dự án trọng điểm của tỉnh có tỷ lệ giải ngân tương đối cao. Trong đó có 5 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ 100% là thị xã Buôn Hồ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và Công an tỉnh. Ngoài ra còn có 8 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, trong đó có 3 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân 87 - 95%; 5 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân 95 - 99%.

Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện dự án gần 4.256 tỷ đồng. Đến ngày 20/2/2024, đã giao chi tiết đến từng dự án hơn 3.952 tỷ đồng và giải ngân hơn 596/3.952 tỷ đồng (15,1% kế hoạch, cao hơn 11,6% so với cùng kỳ năm trước), trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân hơn 494/2.048 tỷ đồng (24,1%); nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân hơn 102/1.904 tỷ đồng (5,4%).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (Ban A) cũng là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực trong công tác giải ngân vốn thời gian qua. Năm 2023, Ban A được giao kế hoạch vốn gần 2.177 tỷ đồng (chiếm 42,8% kế hoạch vốn tỉnh được giao), đến ngày 31/1/2024, đơn vị đã giải ngân gần 2.082/2.177 tỷ đồng (95,6%).

Riêng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được giao kế hoạch vốn năm 2023 trên 1.372 tỷ đồng, tính đến ngày 15/2/2024 đã giải ngân trên 1.346 tỷ đồng (98,12%).

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban A – chủ đầu tư dự án trên cho biết, đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh cũng như quốc gia nên chủ đầu tư đã hết sức chú trọng về tiến độ thực hiện, cũng như đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn.

Thi công Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (đoạn qua xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin).

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

 

“Các đơn vị được giao kế hoạch thu tiền sử dụng đất phải khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án có thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các công trình đã có trong kế hoạch” - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thời gian qua, tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng thời đơn vị đã tham mưu nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án.

Trong đó chỉ đạo Ban A và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án vì hai ban quản lý này chiếm khoảng 70% số vốn đầu tư công của tỉnh và thực hiện các dự án lớn. Khi hai ban trên giải ngân cao thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh sẽ cao lên.

Nhằm tăng cường quản lý đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công và đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư, ngay sau khi được bố trí vốn, khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án theo quy định và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực thực hiện các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm phát triển quỹ đất và chính quyền địa phương để xây dựng khái toán sơ bộ, dự báo mức độ phức tạp, các khung thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng làm căn cứ cho việc đề xuất tiến độ thực hiện khi trình phê duyệt dự án, chủ động xây dựng lộ trình các bước triển khai dự án, tránh điều chỉnh và gia hạn nhiều lần.

Công nhân thi công mái đập thuộc gói thầu 02 của Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).

Bên cạnh đó, cần tổ chức phối hợp hiệu quả với chủ sở hữu, đơn vị sử dụng công trình trong suốt quá trình thực hiện của dự án, nhất là trong giai đoạn xây dựng nhiệm vụ và triển khai các bước thiết kế xây dựng công trình nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tế, tăng hiệu quả sử dụng, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn theo đúng quy định, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu các gói thầu; kịp thời bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu, trình phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp hồ sơ tư vấn điều chỉnh nhiều lần do không đáp ứng yêu cầu chất lượng thì phải xử lý trách nhiệm của đơn vị tư vấn theo quy định và hợp đồng đã ký kết.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện việc tạm ứng vốn đầu tư cho các nhà thầu thi công theo đúng quy định và hợp đồng ký kết, thanh toán cho nhà thầu thi công theo tiến độ khối lượng thi công, không để dồn vốn khi có khối lượng lớn mới làm thủ tục thanh toán.

Đối với các dự án do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện công tác quản lý dự án, giám sát thì cần bám sát chặt chẽ tình hình triển khai dự án, giám sát quá trình thực hiện, tiến độ thi công của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng đáp ứng điều kiện, đảm bảo năng lực theo quy định. Các dự án hoàn thành phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình, dự án…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.