Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao giá trị sầu riêng

08:10, 29/02/2024

Một cách hẳn nhiên, sầu riêng đang trở thành loại nông sản có lợi thế xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam, và Tây Nguyên là một trong những vùng trồng chủ lực của loại trái cây đặc thù này. Song tại sao đến nay, giá thành xuất khẩu của sầu riêng Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, là câu hỏi rất cần được các cơ quan quản lý, đơn vị canh tác và doanh nghiệp xuất khẩu cùng nghiên cứu.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk từng nhìn nhận, “công nghiệp hóa” quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản và đặc biệt là chế biến sầu riêng theo hướng đa dạng hóa, chuyên sâu, mới chính là giải pháp để nâng cao giá trị loại nông sản này, thực sự trở thành loại trái cây kinh tế mũi nhọn.

Tiêu thụ sầu riêng “từ thô đến tinh”

Một thương lái thu mua sầu riêng của một đơn vị kinh doanh từ Trung Quốc, đã có mặt ở huyện Krông Pắc mấy năm qua chia sẻ, chỉ có rất ít người Trung Quốc mua sầu riêng về ăn tươi múi nguyên trái, vì giá bán sầu riêng tại các siêu thị không hề rẻ. Phần lớn sầu riêng được doanh nghiệp nước này dùng chế biến chuyên sâu về ẩm thực, bánh kẹo thực phẩm và hương liệu. Tính ra, mỗi ký sầu riêng tươi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc qua các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… đã tăng giá gấp vài lần so với giá xuất khẩu từ Việt Nam.

Ông Vũ Đức Côn nhìn nhận, cần có sự khảo sát và tìm hiểu chính xác những thông tin này, để ngành sầu riêng nước ta, và Đắk Lắk nói riêng có một kế hoạch đầu tư chế biến chuyên sâu, mới có thể nâng giá trị thành phẩm sầu riêng. Vấn đề ở chỗ, có bao nhiêu đơn vị doanh nghiệp tại Đắk Lắk thực sự quan tâm việc này, và sẽ có bao nhiêu dự án đầu tư chuyên sâu về thực phẩm, đồ dùng liên quan đến sầu riêng được chính quyền tỉnh thu hút về?

Một cơ sở chế biến sầu riêng ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc. Ảnh: Minh Thông

Các doanh nghiệp kinh doanh đều thừa nhận, lâu nay trái sầu riêng ở thị trường nội địa thường ở dạng trái tươi. Giới kinh doanh chuyên đề cao chất lượng loại trái cây này qua những quảng cáo “bao ăn” để đạt giá bán cao nhất. Nhiều người tiêu dùng cũng chỉ quen ăn tươi múi sầu riêng, kể cả sầu riêng bóc múi cấp đông cũng bị chê “không ngon”. Có điều, thực tế tiêu dùng này, nói như “chuyên gia” Trung Quốc, là “lãng phí”. Trái sầu riêng cần được chế biến trọn vẹn, chứ không chỉ dừng lại ở ăn múi tươi trực tiếp.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Green Ban Mê, một đơn vị chuyên doanh sầu riêng cho biết, hơn hai năm qua, đơn vị bà kết hợp với đối tác nghiên cứu làm phân vi sinh từ vỏ sầu riêng. Những kết quả thực nghiệm cho thấy, vỏ sầu riêng được thu gom, băm nhỏ, ủ lên men có thể trở thành phân vi sinh cực kỳ chất lượng, bón cho các loại nông sản rất tốt. Hy vọng thời gian tới, nghiên cứu của Green Ban Mê sẽ đem lại loại phân bón vi sinh hữu cơ cho thị trường, góp phần chấm dứt tình trạng “khủng hoảng” vỏ sầu riêng sau thu hoạch tại các “đại bản doanh” trồng sầu riêng như Krông Pắc.

Nhưng quan trọng hơn, sầu riêng như vậy có thể sử dụng vỏ chứ không chỉ ăn múi. Mà phần múi sầu riêng, ai cũng biết có thể dùng trong nhiều lĩnh vực thực phẩm, chế biến bánh kẹo, đồ ăn… Không ít loại bánh xốp, bánh cake từ Trung Quốc đưa vào thị trường Việt Nam đều có sử dụng nguyên liệu và mùi sầu riêng. Thậm chí hạt sầu riêng, được luộc chín hay nướng, đều đem lại cảm nhận thực phẩm rất ngon, có thể chế biến thành các loại thức ăn vặt giá thành cao.

Với cách nhìn nhận này, trái sầu riêng gần như không loại bỏ đi phần nào, và đi vào chế biến chuyên sâu, có thể tăng giá trị lên gấp 5 – 6 lần hiện nay.

Cần một hành trình đầu tư

Ông Vũ Đức Côn chia sẻ, sầu riêng đến nay vẫn chưa là loại trái cây chủ lực xuất khẩu của Đắk Lắk. Thị phần lớn ra ngoài của sầu riêng Việt Nam vẫn thuộc về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Diện tích lớn hơn và thời điểm thu hoạch khác đã tạo lợi thế cho sầu riêng phía Nam. Song, nếu đầu tư thỏa đáng vào công nghiệp chế biến chuyên sâu, phát huy giá trị lợi nhuận từ trái sầu riêng qua thành phẩm, Đắk Lắk và Tây Nguyên sẽ tăng lợi nhuận lớn với sầu riêng.

Toàn vùng Tây Nguyên, và riêng Đắk Lắk, cần có một quy hoạch chỉnh thể để thực hiện một hành trình đầu tư lớn cho sầu riêng. Đó là một lựa chọn cấp thiết, vừa điều chỉnh lại tình trạng ồ ạt phát triển sầu riêng trên địa bàn trong thời gian qua, vừa thúc đẩy hiệu quả việc định vị giá thành sầu riêng trên thị trường tiêu dùng. Đắk Lắk cần định vị rõ những khu, cụm công nghiệp chế biến chuyên sâu về nông sản lợi thế, trong đó có sầu riêng, để ban hành các chính sách, giải pháp thực tiễn, hữu hiệu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào mảng sản xuất, kinh doanh này. Quy hoạch lại chính các khu, cụm công nghiệp hiện hữu, đưa các cơ sở sản xuất có ô nhiễm ra ngoài, chỉnh đốn hạ tầng và tạo điều kiện sản xuất thuận lợi cho các đơn vị đầu tư chuyên sâu ngành thực phẩm, hương liệu… là yêu cầu rất cần thiết để làm thay đổi năng lực đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk.

Đồng thời, tỉnh cần chủ trì, mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, vận động doanh nghiệp và người nông dân, các tổ chức khoa học thực hành hợp tác, ký các hợp đồng chuyên canh, chuyên doanh nông sản chất lượng, mà sầu riêng, cà phê, ca cao, tiêu, điều… là những loại cây quả cực kỳ có ưu thế. Một khi hoạt động đầu tư vào nông nghiệp của địa phương đã định hình rõ, người nông dân chú trọng canh tác, doanh nghiệp an tâm tham gia đầu tư và chế biến kinh doanh, các tổ chức khoa học góp phần cải thiện các sản phẩm…, bức tranh kinh tế nông nghiệp là chủ lực của Đắk Lắk sẽ sáng tỏ hoàn toàn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.