Cảm nhận lịch sử qua hiện vật
Trong gần 500 tư liệu là hình ảnh, hiện vật… thể hiện xuyên suốt lịch sử quá trình hình thành Đắk Lắk từ thời tiền sử cho đến hiện đại được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, những tư liệu, hình ảnh, hiện vật trong kháng chiến chiếm một vị trí quan trọng.
Rất nhiều trong số các hiện vật được trưng bày là những vật dụng bình dị, gắn liền với cuộc sống của người dân, nhưng đằng sau đó cả là một câu chuyện cụ thể, là nhân chứng cho những năm tháng đầy hy sinh gian khổ của quân và dân đã chiến đấu anh dũng vì Tổ quốc. Trong đó có thể kể đến hiện vật “Nồi đồng nấu cơm nuôi bộ đội” của bà Nguyễn Thị Ký (Mười Ký), cán bộ hưu trí trú tại số 19 Tán Thuật, phường Tự An, thị xã Buôn Ma Thuột (trước đây), tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk ngày 15-3-1994.
Theo lời bà Ký, vào năm 1930 mẹ của bà là cụ Phan Thị Sót mua hai chiếc nồi đồng để sử dụng trong gia đình. Năm 1945, bà Ký tròn 15 tuổi tham gia hoạt động trong Đội Thiếu niên Tiền phong cứu quốc. Khi nhận được tin đoàn quân Nam tiến sắp vào nghỉ chân tại thị xã Buôn Ma Thuột, mẹ con bà đã dùng nồi đồng này để nấu cơm canh chuẩn bị đón tiếp.
Trưa ngày 27-10 năm Ất Dậu, đoàn quân Nam tiến đặt chân đến thị xã Buôn Ma Thuột, trong lúc nghỉ ngơi đang chuẩn bị ăn cơm thì quân Pháp bất ngờ quay lại tấn công, 100 chiến sĩ đã ngã xuống. Số người may mắn còn sống sót đã cùng mẹ con bà Ký và người dân quanh vùng tản vào rừng.
Ba ngày sau, khi quân Pháp rút đi thì mọi người quay lại chôn cất các chiến sĩ, sau đó thu dọn quân trang và hai chiếc nồi đồng đi theo đường rừng về hướng huyện M’Drắk. Trên suốt chặng đường mẹ con bà Ký đã sử dụng hai chiếc nồi này để nấu cơm và thức ăn phục vụ chiến sĩ và nhân dân cùng đi trong đoàn. Khi đến thành phố Nha Trang, đoàn phân tán đi nhiều ngả.
Anh Đỗ Mạnh Cường (nhân viên Phòng Sưu tầm và Trưng bày, Bảo tàng Đắk Lắk) giới thiệu về hiện vật lịch sử. |
Năm 1946, bà Ký cùng gia đình trở lại thị xã Buôn Ma Thuột, móc nối liên lạc hoạt động trở lại. Sau khi kháng chiến thắng lợi, bà Ký cất giữ chiếc nồi làm kỷ niệm và mãi sau này tặng lại cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ đến ngày nay.
Cùng với chiếc nồi đồng, tờ báo "Thông tin Tây Nguyên" số kỷ niệm ngày Độc lập ra ngày 2-9-1948 cũng là một hiện vật khiến người xem bồi hồi, xúc động.
Tờ báo được cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm trong giai đoạn 1977 - 1985 tại thị xã Buôn Ma Thuột, gồm có 4 trang, mặt trước in hình lá cờ Việt Nam màu đỏ, chữ được in hai màu đỏ và đen trên giấy màu trắng ngả vàng, khổ hình chữ nhật.
Nội dung bằng tiếng Việt, là bài báo giới thiệu bức thư của Bác Hồ gửi Đại hội Dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19-4-1946 cùng một số nội dung khác nhằm phục vụ tuyên truyền và nhu cầu tìm hiểu thông tin của quân và dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bức thư là tình cảm sâu nặng của Bác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng.
Ngoài ra, còn rất nhiều hiện vật khác như vũ khí, hình ảnh về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của quân và dân ta. Các hiện vật đưa các câu chuyện lịch sử đến gần nhân dân, nhất là giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về những hy sinh, gian khổ nhưng đầy anh dũng, tự hào của cha ông; từ đó, tiếp bước và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Ngoài những hiện vật, hình ảnh trưng bày cố định, hằng năm, Bảo tàng Đắk Lắk còn thường xuyên thực hiện các cuộc trưng bày chuyên đề (tại Bảo tàng) và lưu động về lịch sử để giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc