Multimedia Đọc Báo in

Ngày đọc và tôn vinh sách

16:24, 25/04/2023

Hơn 80 năm trước ở xứ Catalonia Tây Ban Nha, vào ngày 23/4 hằng năm người ta thường tổ chức rất nhiều phiên chợ sách. Trong ngày đó, mua một cuốn sách sẽ được tặng một bông hoa hồng, như là hành động đẹp để nhớ ngày đại văn hào Cervantes, đại diện văn hóa kiệt xuất của đất nước Tây Ban Nha từ giã thế giới.

Từ đó, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố.

Nét đẹp ấy nhanh chóng lan tỏa đến nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi trở thành ngày tôn vinh sách dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day).

Trên thế giới, lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực với hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các ngày sách và văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn.

Ở Việt Nam, những năm qua, Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) đã trở thành ngày hội sách và văn hóa đọc với nhiều hoạt động sôi nổi đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Ea H’leo trong ngày hội đọc sách.

Khi đọc sách, mỗi người sẽ nhận được những giá trị khác nhau, có khi sách như một người bạn tâm tình giúp bạn thư thái đầu óc, tinh thần; hay sách chính là cẩm nang cung cấp vốn tư liệu khổng lồ dù bạn có nghiền ngẫm và đào sâu cũng không bao giờ cạn. Tựu chung lại, sách chính là trí khôn của nhân loại, như người xưa từng nói “thư trung hữu kim” – trong sách có vàng. Chính vì lẽ đó sách là kho vàng tri thức của nhân loại cũng không sai.

Thế nhưng, cuộc sống hiện đại nhiều người không còn tìm vàng, tìm kho báu trong sách nữa. Khi Internet trở nên phổ biến, con người đắm chìm trong thế giới ảo hay mải mê ngụp lặn trong bể truyền thông thăm thẳm. Không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính, tivi đến chiếc điện thoại di động trên giường ngủ. Việc đọc trở nên lép vế và hầu như không còn xuất hiện sự tương tác với sách.

Có lẽ vì thế, thế giới và cả Việt Nam đã có một ngày để tôn vinh sách, nhắc nhở mọi người đừng quên việc đọc sách. Và thời gian gần đây, những ngày hội sách được các địa phương tổ chức rầm rộ, quy củ đã trở thành nơi tập hợp, tôn vinh văn hóa đọc, người đọc sách và cả những người viết sách. Đây như một tín hiệu đáng mừng trong việc phát huy văn hóa đọc, rèn luyện thói quen đọc sách ở tất cả tầng lớp nhân dân.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​