Multimedia Đọc Báo in

Tìm phương án giảm thiểu xung đột giữa voi và người

17:25, 29/07/2020

Sáng 29 - 7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức Hội thảo tham vấn đánh giá thực trạng và xây dựng chiến lược giảm thiểu xung đột voi – người tại Đắk Lắk.

Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội thảo

Đắk Lắk  là tỉnh có nhiều voi nhất cả nước với 44 cá thể voi thuần dưỡng phân bố tại huyện Lắk và Buôn Đôn; khoảng 80 - 100 cá thể voi hoang dã đang sinh sống trên những cánh rừng tự nhiên thuộc địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo và Cư M’gar.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch, giải pháp cấp bách để bảo tồn voi nhà và voi hoang dã. Cùng với đó, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về nguồn tài chính và kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác bảo tồn voi, đặc biệt là Tổ chức động vật Châu Á (AAF) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk đã đạt kết quả nhất định. Đàn voi nhà được chăm sóc thú y, sức khỏe và tuổi thọ tốt hơn; tình trạng săn bắn, sát hại voi hoang dã đã chấm dứt nhiều năm nay, hằng năm đều có những cá thể voi con được sinh ra.

Các đại biểu tham dự hôi thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: tình trạng mất rừng khiến môi trường sống của voi hoang dã ngày càng thu hẹp nên voi rừng thường di chuyển ra những khu vực canh tác nông nghiệp của người dân tìm kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu, chòi rẫy của người dân vùng sống gần rừng ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar. Điều này đã gây nên những xung đột giữa voi và người (voi thì di chuyển, tìm kiếm thức ăn, còn con người thì phải tìm cách để bảo vệ mùa màng, tài sản của mình). Nếu không có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu những xung đột tiêu cực này sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân cũng như sự an toàn của đàn voi.

Chính vì vậy, địa phương cần triển khai những phương án để giảm thiểu những xung đột tiêu cực giữa voi và người như: áp dụng khoa học kỹ thuật theo dõi sự di chuyển của đàn voi hoang dã để cảnh báo sớm cho người dân để phòng tránh; sử dụng các biện pháp xua đuổi voi thân thiện, không gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của voi;  trồng những loài cây phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và không phải là loại thức ăn voi ưa thích; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... 

Tiến sỹ Cao Thị Lý, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên trình bày công trình nghiên cứu của mình tại hội thảo
Tiến sỹ Cao Thị Lý, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên trình bày công trình nghiên cứu của mình tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk. Dự án có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo tồn quần thể voi hoang dã tại tỉnh, trong đó nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xây dựng và triển khai các giải pháp bảo tồn voi hoang dã gắn với giảm thiểu xung đột giữa voi và người. Hiện nay, công tác bảo tồn voi của địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng, phương tiện kỹ thuật và lực lượng để phục vụ, do đó rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Vạn Tiếp

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.