Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

21:17, 01/08/2020

Sáng 1-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp trực tuyến với 21 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, Bình Thuận và Tây Nguyên để triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua, ATNĐ di chuyển ổn định theo hướng Tây - Tây Bắc, tốc độ di chuyển 15 - 20 km/giờ. Cơn ATNĐ này có hoàn lưu rất rộng, vùng gió mạnh mở rộng về phía Nam do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Dự báo, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão ở cấp 8, ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hoá. Từ ngày mai (ngày 2-8), các tỉnh trong đất liền sẽ có mưa to, có nơi mưa rất to, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến đêm 2-8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) có mưa và giông, với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt, riêng khu vực Bắc Tây Nguyên 200 - 300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm. Trên biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, sóng biển cao 3 - 4 m, biển động dữ dội, rất nguy hiểm đối với các tàu, thuyền nhỏ. Đến sáng nay vẫn còn 1.642 tàu thuyền với gần 9.000 lao động ở trong vùng nguy hiểm. Bộ NN-PTNT đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương nhanh chóng liên lạc với chủ phương tiện, hướng dẫn di chuyển, bố trí nơi tránh trú an toàn để các tàu thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng báo cáo về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tại cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, do tác động của ATNĐ, riêng tại Đắk Lắk, từ tối ngày 30-7 đã có mưa lớn, gây ngập lụt trên địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, đến nay đã có 12 xã, thị trấn bị ảnh hưởng, với gần 2.200 ha cây trồng, 301 nhà bị ngập; trên 2.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 46 ha thủy sản bị thiệt hại; hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn bị chia cắt, xói lỡ… Theo dự báo, Đắk Lắk tiếp tục có mưa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và huyện, các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, dân quân tự vệ tiếp tục trực và triển khai kịp thời những giải pháp ứng phó khi có mưa lũ đổ về.

ảnh
Nước lũ đổ về gây ngập lụt trên địa bàn xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) ngày 31-7-2020

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" gắn với phòng, chống dịch Covid-19 để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của người dân, Nhà nước. Trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển và các khu vực lồng bè. Chính quyền cơ sở ở các địa phương khu vực vùng núi, trung du phải chủ động rà soát thật kỹ tất cả những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn để sơ tán người dân kịp thời ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi có mưa lũ. Bên cạnh đó, các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất an toàn, bảo vệ cho các công trình nhà ở của người dân, các công trình công sở; các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú ý đến an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là theo dõi diễn biến động đất liên quan đến an toàn hồ đập để có phương án ứng phó kịp thời.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.