Multimedia Đọc Báo in

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh qua thực tiễn sinh động

09:21, 19/05/2020

"Tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là bao trùm, rộng lớn. Việc học tập, tu dưỡng và làm theo Bác đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ suốt đời thông qua thực tiễn sinh động".

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn tại buổi Tọa đàm nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020) do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức chiều 18-5 với chủ đề: "Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở Đắk Lắk".

Buổi Tọa đàm đã có 17 tham luận tham gia khẳng định sức sống trường tồn và sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực trong đời sống hiện nay...

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Báo cáo tham luận "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác tổ chức cán bộ ở Đắk Lắk hiện nay", đồng chí Lê Năng Hảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cán bộ là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến sự thành bại của cách mạng, Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Vận dụng quan điểm về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định về công tác cán bộ, phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, từng bước đổi mới quy trình công tác tổ chức cán bộ để lựa chọn, giới thiệu nguồn nhân sự theo hướng bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai, thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển các chức danh Phó Giám đốc Sở Y tế, các chức danh trưởng phòng và tương đương cấp sở và thí điểm tuyển chọn bí thư cấp ủy cấp huyện thông qua hình thức bảo vệ và đánh giá chương trình hành động, góp phần giúp cho công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: Hồng Chuyên
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hồng Chuyên

Đối với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng về đạo đức, đồng chí Trịnh Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng" năm 1958, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò, ý nghĩa và biểu hiện của đạo đức cách mạng: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”, “Có đạo đức cách mạng thì gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa". Nếu như các kỳ Đại hội trước xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng và tổ chức” thì Đại hội XII của Đảng đưa “đạo đức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng, là điểm nhấn định hướng mục tiêu công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng là vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng: Cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sớm chủ động tạo nguồn bổ sung cán bộ cho các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ; đổi mới, tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi khuyến khích người tài; nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện cán bộ, ngoài tài năng, phải luôn luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng...

Phát huy sức mạnh khối đoàn kết dân tộc, vì nhân dân phục vụ

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham luận của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lê Xuân Sương nêu rõ: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Tại Đắk Lắk thời gian qua, Mặt trận đã tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội trong mọi tầng lớp nhân dân, từ các nhân sĩ, trí thức đến các công thương gia, các vị chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, phát huy dân chủ trong nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện đạt hiệu quả chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

 
Những kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai ở các cơ quan, đơn vị trên mọi lĩnh vực chính là không ngừng nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, từng bước đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, đảng viên, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay".
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Phát biểu bài tham luận “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng nền hành chính hiện đại, vì nhân dân phục vụ trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cho biết, thấm nhuần tư tưởng của Bác “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể thiết thực trong xây dựng nền hành chính hiện đại, vì nhân dân phục vụ. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã làm tốt cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng cải cách hành chính nhà nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 19/19 sở, ban, ngành và 15/15 UBND cấp huyện có Trang thông tin điện tử cùng hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông (iGate) triển khai đến 184/184 UBND xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, lấy công nghệ thông tin làm lĩnh vực đột phá, trước mắt, tỉnh sẽ lựa chọn bước đi nền tảng gồm: Chính phủ điện tử; liên thông nhận văn bản; thí điểm Trung tâm điều hành thông minh, du lịch thông minh và đô thị thông minh. Mục tiêu tổng quát của tỉnh hướng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt kinh tế số đóng góp khoảng 30% GDP. Hướng đến năm 2030 mọi người dân sẽ được truy cập băng thông rộng. Đắk Lắk sẽ bắt nhịp chuyển đổi Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, là trung tâm sản xuất phần mềm…

Nguyễn Xuân - Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.