Multimedia Đọc Báo in

"Mở cửa" cho kinh tế đối ngoại phát triển

08:33, 03/09/2020

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (sau đây gọi là Dự thảo) trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,75%/năm.

Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ ở khu vực nông - lâm - thủy sản (giảm từ 45,4% xuống còn 36%) và dịch vụ (tăng từ 35,3% lên 45,2%); ngành công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,24%. Ngành dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015.

Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 302.110 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6 - 6,35%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 31,19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15%; dịch vụ chiếm 48,26% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,55%. Tổng giá trị xuất khẩu trên 3,5 tỷ USD, bình quân đạt 704 triệu USD/năm.

Ông Lê Văn Nhuận  Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk
Ông Lê Văn Nhuận,  Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk.

Có nhiều giải pháp được đưa ra trong Dự thảo nhằm hướng đến xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp từ thu hút đầu tư, đến đào tạo nguồn nhân lực… Tuy nhiên, để tạo sự đột phá, bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ tới thì Đắk Lắk cần phải quan tâm nhiều hơn đến kinh tế đối ngoại. Bởi thực tế hiện nay kinh tế đối ngoại vẫn đang là “điểm yếu” trong nền kinh tế tỉnh nhà và cũng được Dự thảo nhìn nhận là tồn tại khuyết điểm. Cụ thể là xuất khẩu đạt thấp, kim ngạch chỉ đạt hơn 2,9 tỷ USD, bằng 78,3% kế hoạch đề ra. Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn đang gặp nhiều khó khăn về thị trường và khả năng cạnh tranh. Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng thiếu tính ổn định. Quy mô ngành công nghiệp nhỏ; sản phẩm công nghiệp chứa hàm lượng công nghệ còn ít...

Câu chuyện tiềm năng, lợi thế đã được nói đến nhiều, nhưng chỉ dựa vào tiềm năng vẫn chưa đủ để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Bởi nông sản làm ra nhiều và có giá trị nhưng chưa đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng cho người dân; văn hóa đa dạng nhưng chưa được khai thác xứng tầm trong phát triển du lịch, tài nguyên rừng sụt giảm; hạ tầng giao thông bị xuống cấp… Do đó, muốn tạo sự phát triển mang tính đột phá dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có thì Đắk Lắk cần phải “mở cửa” để hội nhập trực tiếp.

Cụ thể là “mở cửa” để thông thương hàng hóa, thu hút đầu tư, xây dựng điểm đến thân thiện, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI... Có thể thấy được mệnh danh là thủ phủ của vùng Tây Nguyên và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, khí hậu, đất đai để phát triển kinh tế nhưng hiện nay Đắk Lắk lại chưa có sân bay quốc tế, cửa khẩu chưa chính thức đi vào hoạt động khiến cánh cửa hội nhập bị bó hẹp. Tỉnh cần khai trương cửa khẩu Đắk Ruê, tạo điều kiện cho người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu. Cần nâng cấp Sân bay Buôn Ma Thuột lên sân bay quốc tế hoặc sân bay nội địa nhưng được phép đón các chuyến bay quốc tế. Đây là việc khó nhưng không phải là không thực hiện được bởi thực tế cả nước có nhiều sân bay nội địa nhưng được phép đón các chuyến bay quốc tế.

Đơn cử như Sân bay Liên Khương tại tỉnh Lâm Đồng không phải là sân bay quốc tế nhưng được phép đón khách quốc tế với số lượng bình quân mỗi ngày từ 7 - 8 chuyến bay. Khi được phép đón các chuyến bay quốc tế thì khách du lịch, nhà đầu tư có thể bay thẳng tới Đắk Lắk du lịch hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây sẽ là hướng mở lớn cho nhiều ngành nghề từ công nghiệp nặng, công nghiệp công nghệ cao đến ngành du lịch, bởi hiện tại Đắk Lắk vẫn là điểm đến mới đối với khách du lịch quốc tế và các thế mạnh này chưa có cơ hội khai thác hiệu quả. Những cơ hội đầu tư của nhà đầu tư, cơ hội du lịch của khách quốc tế đang bị giao thông cản trở do việc di chuyển bằng đường bộ đến Đắk Lắk mất nhiều thời gian hơn so với các tỉnh khác trong khu vực có điều kiện tương đương. Trong khi đó, bản thân nhà đầu tư, du khách luôn có nhiều sự lựa chọn khi quyết định đầu tư hay đi du lịch ở đâu.

Hiện nay con đường vận chuyển hàng hóa từ Đắk Lắk đến TP. Hồ Chí Minh thuận lợi hơn trước nhờ tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 14, tuy nhiên việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa vẫn đang gặp nhiều rào cản về khoảng cách, chi phí so với các địa phương khác. Các chi phí này sẽ được nhà đầu tư cộng vào giá thành sản phẩm khiến giá hàng hóa sản xuất tại Đắk Lắk khó cạnh tranh với các địa phương khác trong vùng. Vì vậy, ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các tuyến tỉnh lộ đang bị xuống cấp thì việc xây dựng con người thân thiện, điểm đến thân thiện sẽ góp phần xoay chuyển tình thế, từng bước cải thiện chỉ số PCI trong tương lai.

Thanh Hường (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.