Multimedia Đọc Báo in

Một số giải pháp để phát triển mạnh đội ngũ trí thức

16:45, 26/09/2020

Thời gian qua, đội ngũ trí thức của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo; nghiên cứu khoa học và xây dựng hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển thì đội ngũ trí thức còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được nêu ra trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là: Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, sử dụng, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức; trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp trên, hình thành khối thống nhất, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sắp xếp, bố trí đúng ngành, nghề chuyên môn, sở trường của những trí thức hiện có đang công tác ở các ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và các viện nghiên cứu, trường đại học. Giảm thiểu đến mức thấp nhất hiện tượng làm trái nghề, gây lãng phí cho công tác đào tạo và làm giảm hiệu quả công việc. Số đã có bằng cấp xác nhận về trình độ học vấn thì tạo cho họ có công trình nghiên cứu đạt kết quả tốt, được xác nhận chính thức bởi các hội đồng thẩm định để chứng tỏ khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo của họ, kèm theo những khuyến khích về lợi ích vật chất và tinh thần do tỉnh quy định.

Nghiên cứu giống cà phê bằng phương pháp ghép mô tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp  Tây Nguyên.  Ảnh: Hoàng Gia
Nghiên cứu giống cà phê bằng phương pháp ghép mô tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Cố gắng chọn trong bộ phận này những người xuất sắc nhất, có triển vọng nhất để đào tạo, bồi dưỡng thành những trí thức “đầu đàn” (đầu ngành), làm trụ cột, quy tụ và định hướng hoạt động của các nhóm trí thức trong các lĩnh vực chuyên môn. Trí thức “đầu đàn” có vai trò hết sức quan trọng trong nghiên cứu khoa học, giống như “thủ lĩnh” trong các lĩnh vực khác. Đến nay tỉnh vẫn chưa có nhiều trí thức “đầu đàn” trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. Điều này xảy ra không chỉ với trí thức dân tộc thiểu số mà ngay cả với trí thức người Kinh. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc quy tụ, dẫn dắt, định hướng đi lên lâu dài của đội ngũ trí thức ở đây. Việc chưa có trí thức “đầu đàn” làm nòng cốt để quy tụ thì trí thức khó liên kết được với nhau, bởi đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của họ mang tính cá nhân.

Chính vì vậy, trước mắt tập hợp những trí thức có trình độ tiến sĩ thuộc các chuyên ngành hiện có, giao cho họ thực hiện một số đề tài liên quan đến những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua hoạt động này góp phần nâng cao năng lực, từ đó phát hiện những trí thức nổi trội để đào tạo, bồi dưỡng thành “đầu đàn”.

Thứ hai, quan tâm đến đông đảo sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường đã có việc làm và sinh viên đã tốt nghiệp đại học ra trường nhưng chưa có việc làm. Đây là đội “dự bị” trực tiếp để bổ sung vào đội ngũ trí thức sau này. Vì vậy, cần lập danh sách đầy đủ, phân thành các nhóm theo chuyên ngành khoa học, cử các nhóm trưởng là những người có thành tích học tập tốt nhất, được xếp hạng cao trong các kỳ thi tốt nghiệp và tài trợ kinh phí để các nhóm này sinh hoạt định kỳ. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đứng ra làm trung gian để các nhóm đó tự liên hệ với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, các huyện, nhất là các vùng có cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, vùng chăn nuôi, trồng rừng… có nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để ký hợp đồng nghiên cứu về các đề tài ứng dụng khoa học.

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh gợi ý các đề tài nghiên cứu, cách thức tổ chức, quản lý và nên có sự hỗ trợ về tài chính cho việc triển khai các đề tài, lập các hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu và đề nghị tỉnh xác nhận chính thức cho các tập thể và thành viên tham gia nghiên cứu đề tài. Những thành viên có thành tích tốt, tỉnh nên sắp xếp ngay công việc theo tinh thần dùng đúng người, đặt đúng chỗ. Được như vậy, tuyệt đại bộ phận những sinh viên đã tốt nghiệp đang chờ kết quả xin việc sẽ không ai muốn là người chậm chân để mất cơ hội đang trong tầm tay. Cũng có thể tin rằng, cách làm này hứa hẹn cho tỉnh một đội ngũ trí thức tương đối đông đảo, có cả năng lực trí tuệ và thực tiễn.

Thứ ba, các thế hệ học sinh trung học của tỉnh cũng nên được nhìn nhận như là “dự bị tuyến hai” của đội ngũ trí thức. Hiện nay thế hệ này đang được sự quản lý, giáo dục của nhà trường và được “hưởng lợi” từ sự đầu tư lớn của Nhà nước cho quốc sách giáo dục. Tuy thế, ở góc độ phát triển đội ngũ trí thức, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật của tỉnh cũng nên thông qua ngành giáo dục theo dõi quá trình học tập của các em, có hình thức khuyến khích các em học giỏi, thể hiện năng khiếu (dù năng khiếu chưa hẳn đã thành nhân tài, nhưng đó là dấu hiệu đầu tiên hứa hẹn sự xuất hiện của nhân tài). Hướng dẫn, khuyến khích các em nhưng tránh tạo nên những áp lực ảnh hưởng đến thiên hướng bẩm sinh và quá trình phát triển tự nhiên của các em.

Thứ tư, chú trọng tạo nguồn trí thức con em các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cho từng địa bàn phù hợp với quy hoạch cán bộ dân tộc thiểu số, đồng thời, các địa phương xây dựng quy hoạch cán bộ dân tộc thiểu số thật cụ thể để có định hướng phân luồng phù hợp.

Trong quá trình đào tạo bậc trung học phổ thông, tiếp tục phân luồng: Đối với học sinh xuất sắc, giỏi cần bồi dưỡng để có đủ năng lực thi thẳng vào các trường đại học hoặc chuyển sang dự bị đại học. Sau khi tốt nghiệp, tỉnh bố trí, sử dụng vào các công việc thích hợp với sở trường, chuyên môn. Qua quá trình công tác thấy có triển vọng phải chú ý bồi dưỡng để kết nạp Đảng, tiếp tục cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước nhằm sử dụng lâu dài.

Thứ năm, tỉnh chủ động tổ chức, chủ trì hội nghị phối hợp công tác giữa trường đại học với viện nghiên cứu, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, qua đó tạo sự liên kết với nhau. Thông qua hội nghị, các bên ký kết biên bản ghi nhớ và xây dựng quy chế phối hợp hoạt động. Trong đó, hằng năm các trường đại học đưa giảng viên, sinh viên đến viện nghiên cứu, doanh nghiệp để nghiên cứu, thực tập; các viện nghiên cứu cử người của mình tham gia giảng dạy tại trường đại học; các doanh nghiệp tham gia tập huấn về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh do các trường, viện nghiên cứu tổ chức.

Đối với các doanh nghiệp, thông qua biên bản ghi nhớ, quy chế phối hợp có thể đặt hàng nghiên cứu những vấn đề, vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ một phần kinh phí cho các nhà khoa học, phần kinh phí còn lại trước mắt do các cơ quan quản lý, sử dụng trí thức ứng ra. Sau khi có kết quả nghiên cứu, triển khai nếu đem lại hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ chi trả phần còn lại mà trước đó đơn vị quản lý, sử dụng trí thức đã ứng. Điều này tạo ra sự chia sẻ, gắn kết trách nhiệm giữa nhà quản lý, nhà khoa học với doanh nghiệp.

TS. Lương Hữu Nam

Trường Chính trị tỉnh Ðắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.