Multimedia Đọc Báo in

Một hướng đi thoát nghèo của nhiều hộ dân ở Hòa Hiệp

02:32, 16/06/2013

Anh Yklê Bdap (tên thường gọi là Ama Dap) ở buôn Kbung, xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) từ nhiều năm nay đã thường xuyên đi làm phụ hồ những lúc nông nhàn. Là hộ nghèo lại thiếu đất sản xuất nên anh phải đi thuê đất để trồng trọt. Năm 2012 do “trúng” được vụ dưa hấu với số tiền kha khá, cộng với số tiền dành dụm được từ nghề làm phụ hồ Ama Dap đã làm được căn nhà trị giá 120 triệu đồng; trong đó có 30 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ. Ama Dap cho biết: “Trong 10 năm theo làm nghề phụ hồ, tôi không những để dành được tiền mà còn học được nghề thợ hồ và tự xây được nhà cho mình; nếu tính ra tiền công xây căn nhà này là 30 triệu đồng…”. Năm 2013, hộ Ama Dap là một trong 14 hộ của buôn Kbung được công nhận thoát nghèo bền vững.

Ama Dap trước ngôi nhà tự xây của mình.
Ama Dap trước ngôi nhà tự xây của mình.

Tương tự, ông Y Ngoan Niê (tên thường gọi là Ama Châu) ở buôn Ea Mtar,  xã  Ea Bhôk cũng đã thoát nghèo nhờ đi làm phụ hồ. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn chọn làm công việc này. Từ những việc nhỏ, đến những việc nặng nhọc ông đều không nề hà. Tuy không được đào tạo qua trường lớp, nhưng ông đã tự học qua công việc. Sau nhiều năm kiên trì đi làm phụ hồ, với tiền công là từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày, Ama Châu đã có tiền mua sắm được nhiều phương tiện phục vụ sản xuất. Cũng từ việc tự học được nghề này, ông đã có thể tự xây nhà cho mình, khi căn nhà do Nhà nước tặng theo diện 134 đã trở nên chật chội và xuống cấp cần được sửa chữa. Tính ra số tiền mà ông sửa nhà lần này là hơn 60 triệu đồng, đó là kết quả của những ngày lao động miệt mài từ nghề thợ hồ.

Từ lâu nghề phụ hồ được xem là nghề ít vốn, chỉ cần sức lao động, kỹ năng khéo léo, kinh nghiệm và thường dành cho những người có hoàn cảnh kinh tế cảnh khó khăn. Trên thực tế, hầu hết những người làm nghề thợ hồ đều đi lên bằng con đường tự học. Công việc thường bắt đầu bằng lao động phổ thông phụ hồ, rồi trở thành những người thợ lành nghề, thợ chính. Trường hợp của Ama Dap, Ama Châu đều đi lên bằng con đường ấy và đến nay họ đều là những người thợ lành nghề, có thu nhập bằng chính cái nghề mà họ đã tự học và xây được nhà cho mình.

Trao đổi về vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Võ Thành Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cư Kuin cho biết: “Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn tập trung vào một số nghề như: kỹ thuật, chăn nuôi thú y, cách phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… Thực tế việc dạy nghề thợ hồ cho người nghèo vẫn chưa được xem là một nghề có khả năng ứng dụng thực tế cao; trong khi công việc này rất phù hợp với đa số người dân tộc thiểu số và đem lại hiệu quả thiết thực cho lao động nông thôn. Nếu họ được đào tạo chính quy thì hiệu quả sẽ còn cao hơn rất nhiều. Đây cũng là vấn đề cần được các trung tâm dạy nghề lao động nông thôn của tỉnh quan tâm đến…”.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc