Multimedia Đọc Báo in

Để ngành chăn nuôi Đắk Lắk chủ động hội nhập kinh tế: Còn nhiều thách thức

09:35, 15/07/2015

Sản xuất quy mô nhỏ, lại thiếu liên kết, giá thành cao, công tác quản lý giống và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập... đang trở thành những rào cản lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Còn nhiều khó khăn

Có thể thấy, so với các tỉnh bạn, chăn nuôi ở Đắk Lắk có những lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, nguồn thức ăn, thêm vào đó cơ cấu giống vật nuôi cũng có sự tiến bộ rõ rệt từ giống truyền thống năng suất thấp sang sử dụng các giống mới, giống lai có năng suất, chất lượng cao hơn, đồng thời mạng lưới hạ tầng dịch vụ phục vụ chăn nuôi (giống, thức ăn, mạng lưới thú y...) phát triển mạnh đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Nhất là vài năm trở lại đây tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của Đắk Lắk tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển thuận lợi, nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi từ xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại đến công tác cải tạo giống, chăm sóc thú y bảo đảm an toàn dịch bệnh… đã làm gia tăng giá trị cho ngành chăn nuôi. Trong 4 tháng đầu năm 2015, số lượng gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: đàn trâu, bò trên 200 nghìn con, tăng trên 16 nghìn con; đàn heo 730.797 con, tăng 34.684 con, tỷ lệ heo nái chiếm 13,07% tổng đàn. Số lượng heo tăng do những tháng đầu năm 2015 công tác thú y, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại được chú ý. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 41.257 tấn; đàn gia cầm trên 8,6 triệu con, tăng 736.857 con. Theo Sở NN-PTNT, mặc dù có nhiều lợi thế để chăn nuôi phát triển nhưng trên thực tế, chăn nuôi ở trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ lẻ (chiếm gần 80% đối với đàn trâu, trên 50% với đàn bò và gia cầm, gần 35% tổng đàn heo), chăn nuôi theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao, trang trại vẫn còn ít. Một trong những rào cản khiến chăn nuôi quy mô lớn chậm phát triển đó là trong khi đóng góp của ngành chăn nuôi chiếm trên 18% (năm 2014) tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nhưng vốn đầu tư của Nhà nước cho ngành chưa tương xứng, mặt khác việc thực thi các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho ngành chăn nuôi còn hạn chế, thiếu đồng bộ, nhất là các chính sách hỗ trợ công nghệ, vốn vay, phát triển thị trường... cho các trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài ra, chăn nuôi ở Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn về quy hoạch chăn nuôi và giết mổ tập trung chưa thực hiện được khiến các trang trại, gia trại phát triển tự phát gây ô nhiễm môi trường; thị trường chăn nuôi luôn có biến động lớn, chưa ổn định, các sản phẩm chăn nuôi xuất bán còn đơn điệu; việc nắm bắt thông tin để điều chỉnh sản xuất theo thị trường của người chăn nuôi còn hạn chế, đặc biệt là nhóm đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ...

Trang trại nuôi gà siêu trứng theo hướng công nghiệp ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột.
Trang trại nuôi gà siêu trứng theo hướng công nghiệp ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột.

Tổ chức lại sản xuất

Theo Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, trong năm 2015, ngoài 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và bắt đầu quá trình thực hiện, Việt Nam đang thảo luận để tiến tới ký kết 6 FTA, trong đó có cả Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vấn đề hội nhập kinh tế tác động trực tiếp nhất đến ngành chăn nuôi chính là việc giảm các dòng thuế theo lộ trình đã cam kết. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nhiều sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, đồng thời cũng tạo nhiều khó khăn cho sản phẩm chăn nuôi trong nước về cạnh tranh thị trường tiêu thụ. Mặc dù, hiện tại các sản phẩm từ thịt ở trong nước cũng như ở Đắk Lắk chưa phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu do thị hiếu tiêu dùng của người Việt vẫn thích sử dụng sản phẩm tươi sống hơn đông lạnh, tuy nhiên vài năm tới chúng ta sẽ gặp phải 2 yếu tố bất lợi là giá cả và hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với ngành chăn nuôi và cần phải có giải pháp cấp bách. Theo Sở NN-PTNT, để chăn nuôi của tỉnh phát triển đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình sản xuất chuyển đổi cơ cấu giống và chất lượng đàn gia súc gia cầm; tập trung phát triển đàn gia súc có giá trị cao theo hướng công nghiệp công nghệ cao gắn với chăn nuôi nông hộ có kiểm soát về dịch bệnh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời quy hoạch vùng chăn nuôi và tiến tới phát triển nuôi các loại gia súc quý hiếm, đặc sản của vùng như nhím, chồn, hươu, nai, heo rừng…; ưu tiên cho thuê đất đầu tư chăn nuôi nhằm thu hút vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất con giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Hiện tại tỉnh đang có 6 dự án lớn đầu tư vào chăn nuôi bò thịt, bò sữa với tổng kinh phí trên 3 nghìn tỷ đồng, đơn cử Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện M’Đrắk của Công ty TNHH Liên hiệp Công - Nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ đã đi vào hoạt động, cho kết quả khả quan; một số nhà đầu tư đã khảo sát, làm công tác chuẩn bị đầu tư dự án chăn nuôi như Công ty cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk, Tập đoàn sữa TH true Milk, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai... Dù vậy, để đứng vững được khi tham gia hội nhập, ngành chăn nuôi vẫn cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đây là giải pháp quan trọng để hạ giá thành và nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, chính sách cần tập trung cao hơn vào xây dựng, hỗ trợ để tạo ra những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp này sẽ thu hút vệ tinh là các hộ dân, trang trại, hợp tác xã đi theo hướng thị trường, hình thành được chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong ngành chăn nuôi từ khâu giống đến chuồng trại, chế biến đến tiêu thụ và tới tận bàn ăn của người tiêu dùng.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc